Kiến quân đội vốn là loài mù bẩm sinh. Chúng "hành quân" liên tục, nhận biết đường đi bằng tín hiệu pheromone từ các cá thể cùng đàn.
Ngoài cái tên kiến quân đội (Army ant), loài kiến di cư trọn đời này còn được gọi là kiến binh sĩ. Chúng có tổng cộng khoảng 200 loài, sống theo bầy đàn và cực kỳ hung hãn.
Tàn sát tất cả các loài vật gặp trên đường di cư
Đặc trưng cơ bản nhất của kiến lính là chúng có hành vi xã hội cực kỳ quy củ, chặt chẽ, y như quân đội vậy. Một đàn kiến quân đội có thể đông tới hàng triệu con. Với "quân số" đáng sợ ấy, chúng chẳng ngán sợ bất cứ loài vật nào.
Chỉ cần con mồi không kịp bỏ chạy là sẽ bị kiến lính "đánh nhanh diệt gọn" tuốt.
Ngoài ra, nhà kiến này còn là loài săn mồi mà không cần trinh sát trước. Bằng lực lượng áp đảo, chúng chỉ việc tràn lên, "lấy thịt đè người", chớp nhoáng một cái đã hạ gục con mồi.
Ngay cả các loài nguy hiểm như rắn độc, bọ cạp cũng không thoát khỏi tử thần một khi đã bị chúng tấn công. Chỉ cần con mồi không kịp bỏ chạy là sẽ bị kiến lính "đánh nhanh diệt gọn" tuốt. Thậm chí, có tin đồn chúng có khả năng xả thịt một con mồi to lớn chỉ trong vòng vài phút.
Cái đáng sợ hơn nữa là kiến chúa có thể đẻ tới 4 triệu trứng mỗi tháng, khiến bầy đàn đã đông lại càng thêm đông. Tất nhiên, sức tấn công của chúng cũng leo thang khủng khiếp khi "quân đoàn" được gia tăng "quân số".
Hạ trại sống trên thân cây hoặc trong hang hốc
Không giống như hầu hết các loài kiến khác, kiến quân đội vừa bị mù bẩm sinh lại vừa không có tổ. Thường thì, chúng chỉ tạm dừng chân để nghỉ ngơi. Những lúc như thế, chúng "hạ trại sống" trên thân cây hoặc trong hang hốc.
Kiến quân đội vừa bị mù bẩm sinh lại vừa không có tổ.
"Trại sống" này được tạo thành bởi chính các thành viên trong đàn. Chúng móc nối chân với nhau, kết thành một chùm nhung nhúc những kiến là kiến. Song ngay cả trong cái "tổ sống" tạm bợ ấy cũng vẫn có sự phân chia vị trí và tổ chức phòng vệ tuyệt vời. Theo đó, trong cùng là đám kiến thợ trẻ, tiếp đến là đám kiến thợ già, và ngoài cùng là các "chiến binh" sẵn sàng nghênh chiến, quyết đấu bảo vệ tổ.
Không chỉ thế, bên trong "tổ sống" còn có nhiều lối đi, buồng chứa thức ăn, phòng của kiến chúa, ấu trùng và trứng nữa.
Cắm cổ "hành quân" theo con tiên phong và cái giá phải trả
Với hàng triệu cá thể, mỗi ngày một đàn kiến quân đội có thể tiêu diệt và chén gọn khoảng 500.000 con mồi. "Nạn nhân" chủ yếu của chúng là các loài côn trùng, giun đất, con non của động vật có xương sống.
Mỗi lần "ra quân", một đàn kiến quân đội có thể "dàn trận" rộng đến cả 20m và dài hơn 100m. Vì bị mù bẩm sinh nên chúng tiết ra pheromone, tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài để tiện bề nhận biết. Nồng độ pheromone trong hàng quân cũng phân chia đậm nhạt khác nhau. Nó đậm đặc nhất là ở giữa, để các nhóm "binh sĩ" mở rộng khu vực kiếm thức ăn biết nẻo mà tha về trung tâm.
Mỗi lần "ra quân", một đàn kiến quân đội có thể "dàn trận" rộng đến cả 20m và dài hơn 100m.
Về cơ bản, chiến thuật nhận biết bằng tín hiệu hóa học của kiến quân đội hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, đôi lúc cũng vẫn có sai sót xảy ra. Đó là khi con dẫn đầu ngốc nghếch biến đường đi thành một vòng tròn.
Vì kiến quân đội chỉ dựa vào mùi pheromone mà di chuyển, nên một khi đã sa chân vào "vòng tròn tín hiệu pheromone chết chóc", chúng sẽ không tài nào thoát khỏi. Cả đám cứ mãi cắm cổ xoay vòng, cho đến khi sức tàn lực kiệt, lần lượt gục xuống chết.
Một vòng tròn tự sát
Theo các nhà khoa học, kiến quân đội đã có mặt trên Trái đất cách đây cả hàng trăm triệu năm. Chúng có mặt ở hầu hết các lục địa, tương đối giống nhau dù sống tại các khu vực khác nhau, do chỉ tiến hóa một lần vào khoảng giữa kỷ Phấn trắng.
Tuy nhiên, phải đến tận năm 1936, "vòng tròn tự sát" của loài kiến này mới được phát hiện, nhờ nhà sinh vật học T.C. Schneirla (Mỹ). Một ngày, Schneirla bất ngờ phát hiện một nhóm kiến lính bao gồm vài trăm con cứ chạy quanh theo một vòng tròn. Ngay cả khi bị một cơn mưa lớn bất thần ập xuống, chúng vẫn không dừng lại.
Cả đám cứ mãi cắm cổ xoay vòng, cho đến khi sức tàn lực kiệt, lần lượt gục xuống chết.
Ngày hôm sau, Schneirla thấy phần lớn chúng đều đã chết. Nhưng những con còn lại, dù mệt rũ rượi, bước đi lảo đảo, vẫn cứ tiếp tục bò theo đường tròn.
Kể từ sau quan sát của Schneirla, người ta phát hiện nhiều "vòng tròn tự vẫn" của kiến quân đội hơn. Thường thì chúng chỉ rộng vài mét, nhưng cũng có khi lớn đến cả hàng trăm mé. Có điều, đám kiến xấu số này cũng chỉ là một phần tí tẹo trong cái đàn hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu con. Thế nên, dù chúng có bị gửi hết sang thế giới bên kia thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến đàn chính cả.