Biển hoa trải dài ngút mắt bỗng chốc bừng nở trên vùng đất sa mạc quanh năm hầu như không có mưa ở Chile.
Sa mạc Atacama ở Chile, khu vực được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) xem là khô cằn nhất trên Trái Đất, chuyển mình gần như chỉ sau một đêm từ vùng đất trống trải thành biển hoa nhiều màu rực rỡ. Đó là do những cơn mưa lớn giữa tháng 8 khiến hàng nghìn bông hoa nở bừng, theo National Geographic.
Hiện tượng này có tên florido (sa mạc nở hoa), xảy ra định kỳ ở Atacama. Thời gian biển hoa xuất hiện là sau 5-7 năm/lần, nhưng đợt hoa nở năm nay chỉ cách lần nở trước đó hai năm (năm 2015).
Các nhà chức trách cho biết có thể nhiều hoa sẽ nở thêm trong những tuần tới bởi một số loài nảy mầm muộn hơn những loài khác. Hơn 200 loài hoa khác nhau có thể được tìm thấy trên sa mạc.
Hiện tượng hoa nở rộ không chỉ xảy ra ở Atacama mà diễn ra ở mọi sa mạc có số lượng hoa lớn thuộc loài cây lâu năm (perennial). Dù đồng loạt nở rộ, hoa thường nhanh tàn do môi trường khắc nghiệt của sa mạc.
Hạt giống những cây lâu năm trên sa mạc thường nằm im lìm nhiều tháng hoặc nhiều năm và rất khó nhận biết. Chỉ khi nước mưa trút xuống cuốn trôi lớp vỏ bảo vệ, hạt giống mới nảy mầm. Đầu mùa xuân, Chile có lượng mưa lớn, tạo ra điều kiện lý tưởng cho hoa nở rộ sớm vài năm so với dự kiến.
Sa mạc Atacama phủ đầy hoa.
Sa mạc Atacama là một dải đất trải dài 1.600km dọc theo vùng ven biển phía tây bắc Chile. Sa mạc này khô cằn tới mức một số khu vực chưa từng có mưa và rất ít động thực vật hay thậm chí vi khuẩn có thể tồn tại. Những loài cây lâu năm và cây mọng nước thông thường chỉ phân bố ở vùng lòng chảo tích tụ nhiều nước.