Săn kho báu ở "ngã tư" thế giới

Ở mảnh đất đầy rẫy báu vật như Jordan, cơn sốt săn kho báu chưa lúc nào hạ nhiệt. Tại đây, người ta không chỉ áp dụng những thành tựu khoa học mà dùng cả… ma thuật với khát khao tìm được những kho tàng vô giá.

Jordan, mảnh đất đầy báu vật

Emad Jarur, một người đàn ông 42 tuổi, sống trong một khu phố bình dân ở phía đông Thủ đô Amman của Jordan. Khi màn đêm buông xuống, Jarur mới lái xe vào một khu đất cổ để đào, khoan thậm chí sử dụng cả… chất nổ để tìm kiếm kho báu gồm nhiều hiện vật cổ từ thời đế chế Ottoman, La Mã, Byzantine....

Không chỉ sử dụng công nghệ tiên tiến, Jarur còn nhờ tới… các thầy phù thủy để săn tìm kho báu. "Những người tìm kiếm kho báu như tôi tìm cách thử mọi phương tiện từ khoa học đến phép thuật để khám phá kho báu", Jarur cho biết.

Emad Jarur đã tự nghiên cứu về kho báu Ottoman, đặc biệt là những đồng tiền vàng nguyên chất, thứ rất dễ bán trên thị trường chợ đen. Anh đọc mọi cuốn sách liên quan tới đề tài này, thuộc mọi dấu hiệu nhỏ nhất trên bản đồ dẫn anh đến chỗ ẩn giấu kho báu.

Tuy nhiên, một số nơi cực kỳ nguy hiểm bởi "chúng được thần linh bảo vệ" như những người săn khó báu mê tín vẫn thường nói. Abu Salem, đồng nghiệp của Jarur thề rằng, mình đã nhìn thấy một người đàn ông bị giết ngay trước mắt bởi các vị thần: "Các vị thần cảnh báo bạn tôi không được quay lại khu đất, nhưng khi trở lại vào ngày hôm sau, anh ấy đã chết vì một cơn đau tim đột ngột".


Tuyến đường sắt Hijaz. (Ảnh: Berthold Werner/Wikipedia)

Để tránh sự trừng phạt của thần linh, thầy phù thủy phải đọc những câu thơ trong kinh Koran trong khi người săn tìm kho báu đốt loại hương trầm đắt giá của Ma-rốc.

Trong quá khứ, Jordan là ngã tư thế giới, chứng kiến ​​những thăng trầm của nhiều nền văn minh xa xưa, từ thời đại đồ đồng và thời đại đồ sắt.

Jordan bị người Ai Cập mở rộng quyền lực và văn hóa của họ từ phía tây, trong khi người Assyria, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp, Nabatean, La Mã, Byzatine, Hồi giáo và Ottoman lần lượt cũng đặt dấu ấn lên vùng đất này.

Tuyến đường sắt Hijaz dài 483km, nối liền hai thủ đô Amman (Jordan) và Damascus (Syria), được người Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng trong những năm 1900 để tiếp tế cho quân đội của họ, trở thành tâm điểm cho những kẻ cuồng kho báu. Người ta đã đào hàng nghìn hố dọc theo Hijaz. Vì sao nơi đây lại thu hút dân đào vàng đến vậy?

Đế quốc Ottoman cai trị Jordan từ năm 1516-1918, đã xây dựng nhiều pháo đài để bảo vệ những người hành hương. Truyền thuyết kể rằng sau khi thất bại trong chiến tranh, đế quốc Ottoman giàu có, không thể mang hết vàng của họ khi bỏ chạy khỏi. Thay vào đó, họ đã vội vàng chôn chúng xuống đất và khắc bản đồ kho báu lên các vách đá.

“Có thể tìm thấy kho báu Ottoman ở độ sâu chưa tới 1m bởi họ đang vội vã chạy trốn quân Anh nên không có thời gian đào sâu hơn", Jarur tiết lộ.

Con sốt săn kho báu không có dấu hiệu hạ nhiệt

Cơn sốt vàng đã làm chao đảo Jordan khi nền kinh tế của vương quốc suy giảm nghiêm trọng trong những năm 1990. Hậu quả là, những người đi tìm kho báu đã phá hủy nhiều di tích vô giá của đất nước.


Hoàng tử Hassan (chú của vua Abdullah II). (Ảnh: AFP)

Mohammad Najar, thuộc Cơ quan điều tra khảo cổ học cho biết giấc mơ tìm kho báu đã gắn chặt vào tâm trí của người Jordan trong nhiều năm. "Một số câu chuyện về kho báu có thể đúng, nhưng hầu hết là giả. Điều chúng tôi quan tâm là việc đào bới sẽ làm hỏng các di tích và cổ vật".

Bằng chứng rõ nhất về sự phá hủy này nằm trong thung lũng Jordan, nơi có đất đai màu mỡ. Tránh những con mắt tò mò, những người nông dân tiến hành khai quật bất hợp pháp, tìm kiếm vàng hoặc bất kỳ hiện vật cổ nào có thể bán được cho khách du lịch. Mỗi đồng tiền xu cổ đại có giá từ 15 tới hàng trăm USD.

Các quan chức của Cơ quan điều tra khảo cổ học thừa nhận, những người săn kho báu cũng đóng góp vào kho tàng khảo cổ học của quốc gia, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà họ gây ra.

Trong khi đó, Jarur cho biết, anh vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm và còn nhấn mạnh rằng, các thành viên của gia đình hoàng gia cũng tham gia tìm kiếm. "Mọi người đều biết Hoàng tử Hassan (chú của vua Abdullah II) có một kho báu lớn. Ông ấy đã dành nhiều thập kỷ đi săn kho báu khắp vương quốc".

Tuy nhiên, không phải ai cũng thèm muốn kho báu. Đó là những nông dân chỉ biết: “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Những người nông dân ở Jordan luôn phải chạy đua với thời gian để kịp gieo hạt trước khi mùa đông đến. Thế nên việc phát hiện di tích là một cơn ác mộng đối với họ. Theo luật, họ phải thông báo cho chính quyền. Lúc đó, các nhà khảo cổ học ngay lập tức phong tỏa khu vực và bắt đầu quá trình đánh giá giá trị khảo cổ học của mảnh đất. Và như thế, mảnh ruộng của họ không thể canh tác một cách vô hạn định.

Các nhà khảo cổ học cho hay, nhiều nông dân đã giấu những phát hiện của họ và tiếp tục trồng cấy. Do vậy, những cổ vật quý thường bị hao mòn.

Số liệu chính thức cho thấy, ở Jordan, có hơn 10.000 khu vực di tích được biết đến và đang chờ được khai quật. Còn những khu vực chưa được biết đến ước tính nhiều gấp ba lần con số đó.

Theo Dân Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video