Thức dậy ở thế giới khác

  •   45
  • 10.795

Một hội chứng bí ẩn đã quét sạch ký ức lưu giữ suốt 17 năm của một người mẹ, khiến cô nghĩ mình chỉ mới 15 tuổi.

Naomi Jacobs, hiện 34 tuổi, đã tỉnh dậy vào năm 2008 với tâm trí của một thiếu nữ 15 tuổi, sắp chuẩn bị tham gia các GCSE (kỳ thi cấp quốc gia cho các học sinh tại Anh) vào mùa hè năm 1992. Điều cuối cùng mà cô có thể nhớ là đã ngủ quên trên chiếc giường đôi của mình. Lẽ dĩ nhiên là Jacobs cảm thấy kinh khủng và sợ hãi thế nào khi biết rằng mình đang sống ở thế kỷ 21, thậm chí còn là bà mẹ đơn thân của một cậu con trai nhỏ hơn mình chỉ 4 tuổi (ấy là cô tưởng thế). Jacobs không thể nhớ được đứa bé mà cô rứt ruột đẻ ra.

Jacobs lúc 15 tuổi và hiện nay - Ảnh: Sun
Jacobs lúc 15 tuổi và hiện nay - Ảnh: Sun

Khi đến bác sĩ, Jacobs được chẩn đoán là bị mắc chứng quên hiếm gặp. Trường hợp này xảy ra khi một người chịu đựng quá nhiều căng thẳng, khiến một phần não ngưng hoạt động, xóa sạch nhiều ký ức trong đời sống của họ. Chấp nhận sự thật, Jacobs lao vào đánh vật với máy vi tính, học cách sử dụng internet và dùng điện thoại di động để cố hòa nhập trở lại với cuộc sống hiện đại. Nay, đã 3 năm kể từ ngày thức dậy “trong tương lai”, Naomi cuối cùng cũng đã lấy lại phần lớn trí nhớ của mình, và bắt tay viết sách kể lại kinh nghiệm đáng nhớ.

Báo Telegraph dẫn lời bà mẹ 34 tuổi nói: “Tôi ngủ quên vào năm 1992 với tâm trí là một thiếu nữ ngổ ngáo, tưởng mình biết hết mọi thứ trên đời, và tỉnh dậy với vai trò của một bà mẹ đơn thân 32 tuổi. Điều cuối cùng tôi nhớ được là mình đã ngủ thiếp đi trên chiếc giường đôi yêu quý, mơ mộng về một cậu trai trong lớp học. Khi tỉnh dậy, nhìn vào người, tôi sợ chết điếng khi thấy một phụ nữ đã hơn 30 tuổi với các nếp nhăn. Khi đứa bé này xuất hiện và gọi tôi là mẹ, tôi đã thét lên vì sợ hãi. Tôi không biết cậu ta là ai, và tất nhiên tôi chẳng nhớ mình đã sinh ra cậu ta. Tôi bắt đầu khóc nấc lên không kiềm chế được”.

Naomi, từng là sinh viên khoa tâm lý học trước khi lâm vào tình trạng trên, được bác sĩ cho hay cô bị hội chứng “quên toàn thể ngắn hạn”, một chứng mất trí nhớ do stress. Phần chương đoạn, hay tình tiết bên trong ký ức của cô bị tắt hoàn toàn, có nghĩa là cô mất đi mọi ký ức gây xúc động. Tuy nhiên, phần căn nghĩa của ký ức vẫn còn nguyên vẹn, nên cô có thể nhớ được những gì đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá khứ, chẳng hạn như cách lái xe.

Một cách chậm chạp, dần dần Jacobs cũng bắt đầu công việc khó khăn là nối lại cuộc sống trước đây của mình, bằng cách vùi đầu vào nhật ký.

Jacobs nói: “Lúc 15 tuổi, tôi nghĩ mình sẽ chinh phục được phân nửa quả địa cầu khi 32 tuổi. Và tôi thật sự quá sốc khi phát hiện mình chỉ là một bà mẹ đơn thân bình thường, sống tại Manchester và lái chiếc xe cũ kỹ Fiat Brava”.

Theo cô, điều hay ho nhất mà chứng quên khủng khiếp này mang lại là nó giúp cô theo đuổi giấc mơ thời niên thiếu: viết sách. Hiện Jacobs bắt tay vào viết lại câu chuyện của chính mình.

Theo Thanh Niên
  • 45
  • 10.795