Sáng chế máy đánh bắt cá đầy tính nhân văn của chàng trai gốc Ấn

Saif Khawaja cùng nhóm các kỹ sư nghiên cứu của công ty Shinkei Systems đã sáng chế ra một chiếc máy đánh bắt và chế biến cá ưu việt hơn so với các phương pháp truyền thống, tiết kiệm thời gian và đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng…

Các loại cá tươi trong các cửa hàng hoặc siêu thị thường không thực sự “tươi” như chúng ta tưởng tượng, kể cả khi chúng được đánh bắt ngay trên thuyền của ngư dân, theo các nhà quan sát. Cách chúng bị bắt và giết lấy thịt không chỉ vô nhân đạo mà còn làm giảm hàm lượng dinh dưỡng của thịt.

Nhận ra vấn đề này, công ty Shinkei System có trụ sở tại Philadelphia (Mỹ) đã sáng chế ra một giải pháp thay thế vượt trội hơn cách đánh bắt cá thông thường. Ban đầu, chiếc máy này vận hành khá mất thời gian và thủ công, tuy nhiên công ty đã tìm cách tự động hóa. Shinkei System đã thành công gọi vốn 1,3 triệu USD để ra mắt sáng chế này với thị trường.


Một chiếc máy Shinkei trên tàu đánh cá (bên trái). Kỹ sư, nhà đồng sáng lập Shinkei Systems - ông Saif Khajawa (bên phải).

Đi tìm giải pháp "cái chết êm ái" cho đàn cá

Những ngư dân đánh bắt cá thực sự chưa từng nghĩ đến cái gọi là “nhân đạo” hay một cái chết “êm ái” hơn cho đàn cá. Điều này sẽ chẳng bao giờ thực hiện được, nhất là trong hoạt động của các đoàn thuyền đánh cá có quy mô lớn. Thông thường, cá bị vứt ra khỏi lưới và được phân loại sơ bộ, sau đó bị ném lên băng. Chúng sẽ vùng vẫy vài phút và cuối cùng bị chết ngạt trong tích tắc.

Cách đánh bắt này không những rất tàn nhẫn mà còn khiến chất lượng cá xuống cấp nhanh chóng. Vi khuẩn dễ thâm nhập vào các vết thương, máu cũng như làm giảm lượng axit lactic có trong cơ của cá.

Trong khi đó, nếu bắt từng con một, người dân phải đảm bảo cá còn tươi sống hoặc phải chế biến cá ngay lập tức để giữ nguyên hương vị thơm ngon. Thông thường, người bắt cá sẽ tác động lực mạnh vào đầu cá để chúng choáng váng và không vùng vẫy nữa, sau đó lần lượt mổ và làm sạch các bộ phận.

Có một cách tốt hơn so với hai cách kể trên, bắt nguồn từ cách bắt cá truyền thống của Nhật Bản gọi là “ike-jime”. Làm theo phương pháp này, thịt cá sẽ được bảo quản tốt, có thể để được lâu hơn trong vài ngày hoặc thậm chí nhiều tuần mà vẫn giữ được độ ngon. Quan trọng là, ike-jime còn đòi hỏi tính nghệ thuật cao.

Với phương pháp Ike-jime, đầu tiên sẽ đâm xuyên não cá bằng một chiếc gai nhọn để tiễn chúng nhanh chóng lên thiên đường, sau đó nhanh chóng loại bỏ máu tươi có trong cơ thể cá và phá hủy tủy sống. Tuy quy trình này có vẻ kinh khủng nhưng lại ngăn chặn tối đa các cơn đau quằn quại và sự lây lan của vi khuẩn và các chất không tốt vào trong cơ thể cá. Phương pháp ike-jime phải được thực hiện một cách chính xác ngay sau khi bắt được cá.

Shinkei Systems đã tự động hóa toàn bộ quy trình sau khi học hỏi từ phương pháp đánh bắt độc đáo này. Một nhóm do nhà đồng sáng lập công ty - ông Saif Khawaja dẫn đầu đã sáng chế ra một phương tiện cơ học để thực hiện quy trình ike-jime ngay trên các tàu đánh bắt cá chỉ trong vòng 10-15 giây.

Cách thức vận hành là những điều khác biệt

Chiếc máy đánh bắt cá này có kích thước bằng một cái tủ lạnh lớn, gồm một phễu lớn chứa cá, một bộ máy để thực hiện quy trình ike-jime và một đầu ra để cá sau khi được làm sạch sẽ được cho vào bồn nước đá. Hệ thống máy tính sẽ nhận dạng loài và hình dạng của con cá nằm trong phễu, xác định vị trí não và các bộ phận quan trọng khác của nó.

“Tầm nhìn của chúng tôi là đưa toàn bộ quy trình về tự động, không cần tới người điều khiển”, ông Khawaja nói. Chiếc máy còn có khả năng vận hành ngay khi tàu thuyền đang bị nghiêng do sóng lớn. Ngoài ra, việc xác định vị trí não của cá cũng rất chính xác và thích ứng với mọi loại cá.


“Cận cảnh” chiếc máy đánh bắt và chế biến cá của Shinkei Systems

Ý tưởng khởi nghiệp này chưa từng được ra mắt hay thực hiện tại Thung lũng Silicon. “Hiện chúng tôi đang làm việc với các ngư dân ở Maine, New Hampshire và Cape Cod, đồng thời hợp tác với các nhà phân phối cho những nhà hàng lớn ở Manhattan”, ông Khawaja chia sẻ thêm.

Chiếc máy này đã đem lại nhiều lợi nhuận cho Shinkei và các đối tác của công ty. Các nhà hàng phải trả giá cao hơn cho các loại cá được chế biến theo quy trình ike-jime, vì chúng ngon và bảo quản được lâu. Vấn đề là, liệu những con cá được chế biến bằng chiếc máy của Shinkei có thể so sánh được với những con được chế biến tay không hay không?

Ông Khawaja kể: “Từng có một trải nghiệm khá thú vị thế này. Chúng tôi đã giao cá cho bếp phó của một nhà hàng nổi tiếng thế giới. Tôi đưa cho anh ta 3 thùng đựng cá: một thùng gồm những con cá bị chết ngạt do được xử lý theo cách đánh bắt thông thường, một thùng gồm những con được chế biến bằng phương pháp ike-jime truyền thống (làm bằng tay) và một thùng được xử lý bằng máy của chúng tôi. Dĩ nhiên những con cá được đánh bắt theo cách thông thường thì nhận ra được ngay, nhưng anh ta lại không tài nào phân biệt được sự khác nhau của hai thùng cá còn lại. Chỉ có các đầu bếp chuyên làm sushi mới có khả năng làm điều đó thôi!”.

Phương pháp ike-jime đang được nhiều người ủng hộ, do vậy Shinkei đang nhắm đến việc đẩy nhanh các sản phẩm của công ty ra thị trường. Chiếc máy của họ sẽ giúp các ngư dân đánh bắt cá nhanh hơn và nhiều hơn, quy trình chế biến đơn giản hơn và kiếm được lợi nhuận cao.

"Shinkei đã huy động được 1,3 triệu USD trong vòng tiền hạt giống đầu tiên vào tháng 1 năm nay và đang tiếp tục tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư sau khi thực hiện thử nghiệm ban đầu và sửa đổi thiết kế. Shinkei hy vọng rằng, sáng chế của công ty sẽ được trao đến tay mọi ngư dân và góp phần chế biến ra những món ăn ngon làm từ cá trong tương lai gần”, ông Khawaja khẳng định.

Cập nhật: 03/08/2022 Vneconomy
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video