Sáng kiến của một chàng trai 8X

  •  
  • 1.542

Có thể điều chế thành công dầu diesel sinh học (biodiesel fuel - BDF) bằng phương thức hóa học đơn giản mà không dùng bất kỳ công nghệ nước ngoài nào, anh Phạm Văn Đức (26 tuổi) tự tin: "Nếu được sản xuất cung cấp ra thị trường thì giá thành rẻ hơn so với dầu diesel đang lưu hành”.

Dầu diesel là nhiên liệu phổ biến được dùng trong các động cơ đốt trong để vận hành các dây chuyền máy móc, tàu, xe... Dầu diesel đang lưu hành trên thị trường hiện nay là được điều chế từ dầu mỏ. Khí thải ra khi đốt diesel dầu mỏ là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường. Do đó, nhiều quốc gia đã và đang nghiên cứu để tìm ra các nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường.

Phạm Văn Đức say sưa cùng công việc.

Phạm Văn Đức say sưa cùng công việc. (Ảnh: Nhandan)

BDF không phải là mới mẻ vì từ những năm 1970, thế giới đã nghiên cứu sản xuất BDF nhằm thay thế diesel dầu mỏ. Việt Nam cũng có nhiều đề tài nghiên cứu sản xuất BDF được đầu tư nhưng đa phần là nghiên cứu để áp dụng công nghệ từ nước ngoài, thí dụ công nghệ điều chế BDF bằng sóng siêu âm của Nhật Bản. Và việc sản xuất được BDF có giá thành thấp là một vấn đề "đau đầu" đối với các nhà khoa học.

Trong bối cảnh chung đó, điều khá thú vị là có một sinh viên cũng đã dám đăng ký tham gia vào "trường đua" của các công nghệ điều chế - sản xuất BDF! Đó chính là Phạm Văn Đức, sinh viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội. Từ một sự cố nhỏ ngẫu nhiên, anh Đức đã chọn đề tài điều chế BDF làm đề tài tốt nghiệp (năm 2006). Khi chọn đề tài, vị giáo sư hướng dẫn của anh đã hỏi: "Liệu con có đủ tự tin để tìm ra được một phương pháp mới tốt hơn để điều chế BDF không?"...

Phạm Văn Đức trải qua nhiều vất vả thời sinh viên: mỗi ngày anh cuốc bộ khoảng 12 km và ngủ lơ mơ trên xe buýt để đi học, đi dạy kèm hoặc lang thang ở phố sách cũ đường Láng (Hà Nội). Thế rồi, một lần Đức đột ngột đặt câu hỏi cho chính mình: "Tại sao người ta không chỉ đơn thuần dùng phản ứng hóa học để điều chế BDF mà cần phải có sự trợ giúp của các thiết bị hiện đại để các chất chuyển hóa nhanh hơn?" và anh miệt mài tìm cách tự giải đáp câu hỏi đó. Cuối cùng, Đức cũng tìm được hỗn hợp chất xúc tác lỏng thỏa yêu cầu chuyển hóa nhanh mà anh "bật mí": "Hỗn hợp này được điều chế từ những hóa chất có "giá bèo" nhưng lại có thể "mời" glyxerin ra khỏi a-xít béo trong dầu thực vật phế thải, kèm theo xà phòng kết tủa để lại lớp BDF quý báu, trong veo lơ lửng bên trên...".

Qua nhiều cơ duyên, Đức có được sự giới thiệu của GS-TS Nguyễn Lân Dũng và đã được công ty đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đầu tư giúp anh nghiên cứu thêm. Để sản xuất với quy mô lớn, Đức cũng có kế hoạch thu mua dầu ăn phế thải từ các nhà hàng, nhà máy sản xuất thực phẩm... Thậm chí, anh cũng nghĩ đến việc tạo một mạng lưới mua dầu ăn phế thải khắp thành phố với giá khoảng 3.000 đồng/lít thông qua những người thu mua ve chai, đồng nát.

Hỏi Đức về bí quyết thành công, anh ngẫm nghĩ một hồi và nói: "Có lẽ chính là nhờ tính... phá phách. Từ bé đã hiếu động, Đức hay mày mò tìm hiểu các máy móc trong nhà. Nhờ thế mà Đức có được một thời gian không tốn tiền ăn ở vì kiêm thêm nghề… sửa máy tính cho chủ nhà trọ". Bản tính ham mày mò ấy hình thành nên quan điểm nghiên cứu của Đức: "Kiến thức quanh ta rất bao la, vì thế, khi tìm hiểu một điều gì đó, Đức thích bắt đầu bằng câu hỏi "Tại sao như thế ?" hơn là cần mẫn học tất cả từ đầu". 

Theo Thanh niên, Nhân dân
  • 1.542