Các nhà khoa học Đức đã phát hiện hóa thạch cực hiếm của một con sao biển giòn 6 cánh, bị hóa thạch đúng vào lúc đang thực hiện quá trình tái tạo lại một nửa cơ thể.
Theo trang ScienceAlert ngày 16-5, hóa thạch đặc biệt này được khai quật năm 2018 tại một mỏ đá vôi ở miền nam nước Đức, nơi từng là đầm phá sâu có nhiều san hô và bọt biển. Mỗi hóa thạch là một "bức ảnh" chụp nhanh về khoảnh khắc một sinh vật sống nào đó bị chôn vùi trong nháy mắt và sau đó từ từ hóa đá.
Hóa thạch sao biển giòn đang trong quá trình mọc ra các bộ phận cơ thể - (Ảnh: Gunter Schweigert).
Ngày nay, nơi này là một khu vườn hóa thạch với đầy răng cá mập và dấu tích của các loài thằn lằn bay cổ xưa, động vật giáp xác và các sinh vật giống cá sấu từ cuối kỷ Jura.
Hóa thạch sao biển giòn (Brittle star) nói trên là mẫu vật đầu tiên và duy nhất được biết đến của một loài sao biển giòn mới có tên gọi Ophiactis hex, theo các nhà khoa học.
Cũng giống như sao biển, sao biển giòn sinh sản bằng cách tách đôi bản thân và tự mọc lại những phần cơ thể bị thiếu. Những con sao biển sinh sản theo cách này, tức sinh sản vô tính, sẽ có 6 cánh thay vì 5 cánh.
Hóa thạch sao biển giòn có niên đại 155 triệu năm tuổi và được bảo quản tốt đến mức có thể quan sát được các gai hình móc câu trên các cánh của nó.
Khu vực khai quật hóa thạch sao biển giòn tại Đức - (Ảnh: Gunter Schweigert).
Ông Ben Thuy, nhà cổ sinh vật học tại Viện bảo tàng quốc gia Luxembourg về lịch sử tự nhiên, cho biết hóa thạch này cung cấp bằng chứng nổi bật cho thấy sự phân mảnh vô tính ở động vật da gai hình sao có nguồn gốc tiến hóa sâu xa.
"Đây là một phát hiện cực kỳ hiếm hoi cung cấp bằng chứng rõ ràng về sự phân mảnh vô tính", ông Thuy nói.
Nghiên cứu được công bố tại Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences.