Các nhà khoa học phát hiện hóa thạch một loài bò sát khổng lồ thống trị đại dương tồn tại cùng thời với khủng long.
Nhà nghiên cứu Valentin Fischer ở Đại học de Liège, Bỉ ngày 25/5 công bố công trình nghiên cứu về hóa thạch của một giống bò sát pliosaur, sát thủ đại dương có kích cỡ bằng một chiếc xe bus, theo International Business Times.
Đồ họa giống pliosaur to như xe bus sống từ thời khủng long. (Ảnh: International Business Times).
Hóa thạch này được phát hiện vào tháng 8/2002 bên bờ sông Volga, Nga, gần thành phố Ulyanovsk trong tình trạng được bảo quản tốt. Hóa thạch có răng sắc nhọn, hàm khỏe mạnh, bốn vây, hộp sọ dài trên 1,5 mét.
Giống bò sát pliosaur sống cùng thời khủng long, với hóa thạch cổ nhất có niên đại khoảng 135 triệu năm.
Hóa thạch do Fischer phát hiện được đặt tên là Luskhan itilensis, có phần mõm thon dài lạ thường, như mõm cá heo. Cá thể này có kích thước lớn như một chiếc xe bus, với hàm răng rất sắc và 4 chân chèo lớn, đứng đầu trong chuỗi thức ăn dưới đại dương thời cổ đại.
"Đây là đặc điểm ấn tượng nhất, cho thấy loài pliosaur sống trong nhiều khu vực sinh thái hơn chúng ta vẫn nghĩ", Fischer nói.
Theo nghiên cứu mới, loài pliosaur sống sót sau một sự kiện tuyệt chủng ở cuối kỷ Jura, sinh sôi trở lại trước khi tuyệt diệt. Sự biến mất của chúng diễn ra nhiều triệu năm trước sự kiện đại tuyệt chủng 65 triệu năm trước khiến khủng long biến mất khỏi hành tinh.
Pliosaur không có họ hàng với khủng long mà là họ hàng xa của rùa biển hiện đại.