Sau điều trị Covid-19, em bé mắt nâu biến thành mắt xanh

Bé trai 6 tháng tuổi, mắt nâu đã đổi màu thành xanh chàm sẫm sau khi dùng thuốc kháng virus để điều trị Covid-19.

Trường hợp này quả là bất thường, nhưng đây không phải lần đầu tiên các bác sỹ cho biết bệnh nhân đổi màu mắt sau khi sử dụng thuốc Covid-19 Favipiravir. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra biến đổi kỳ lạ này?


Bình thường em bé có đôi mắt màu nâu (ảnh trái) và chuyển thành mắt xanh (ảnh phải) sau khi được điều trị bằng thuốc kháng virus. (Ảnh: Jiravisitkul et al. 2023, DOI: 10.3389/fped.2023.1154814. CC BY 4.0).

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu một chút về thuốc Favipiravir. Thuốc kháng virus này được dùng để tiêu diệt nhiều loại virus, trong đó có virus influenza và virus Ebola.

Thuốc này có tác dụng ngăn chặn virus sao chép vật liệu di truyền của chúng. Thuốc đặc biệt có tác dụng đối với các virus sử dụng RNA làm vật liệu di truyền. Khi virus tạo ra các bản sao RNA của chúng, thuốc sẽ tự chèn vào các phân tử RNA đang phát triển và gây đột biến.

Đầu năm 2020, thuốc này được Trung Quốc cho phép sử dụng để điều trị Covid-19. Kể từ đó đến nay, một vài nước khác trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản và Thái Lan cũng cho phép sử dụng thuốc này để điều trị các ca Covid-19 từ nhẹ đến nặng. Ở Thái Lan, thuốc này là thuốc chính được sử dụng cho trẻ em mắc Covid-19.

Tác dụng phụ phổ biến của Favipiravir bao gồm tiêu chảy, giảm tế bào bạch cầu và tăng mức acid uric trong máu, mà nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến buồn nôn và hình thành sỏi thận. Nhưng còn các ghi nhận về đổi màu mắt thành màu xanh thì sao?

Tác dụng không mong muốn này lần đầu tiên được ghi nhận vào tháng 12/2021, khi một thanh niên 20 tuổi có mắt nâu chuyển sang mắt xanh lam sau 1 ngày dùng Favipiravir.

Nhưng vào mùa hè năm 2020, một nhóm bác sỹ khác đã báo cáo trường hợp một nam bệnh nhân cũng có mắt ánh lên màu huỳnh quang sau khi sử dụng thuốc này. Và năm 2022 cũng ghi nhận 3 trường hợp có các đốm màu huỳnh quang xuất hiện ở phần lòng trắng của mắt, trên móng tay và răng, sau khi sử dụng Favipiravir.

Mới đây nhất, các bác sỹ báo cáo về trường hợp đổi màu mắt của một bé trai 6 tháng tuổi. Theo báo cáo được đăng trên tạp chí Frontiers in Pediatrics, cậu bé này được đưa đến bệnh viện ở Thái Lan sau khi người nhà thấy cậu ho và sốt. Xét nghiệm cho thấy bé mắc Covid-19, các bác sỹ đã kê thuốc Favipiravir cho bé dưới dạng viên và si rô.

Chỉ 18 tiếng sau khi dùng thuốc, người mẹ phát hiện con mình đổi màu mắt từ nâu sang xanh. Kiểm tra kỹ cho bé, các bác sỹ phát hiện ở giác mạc của bé tích tụ sắc tố xanh.

Bé dùng Favipiravir trong 3 ngày thì các bác sỹ quyết định cho dừng thuốc khi thấy màu mắt của bé thay đổi. Sau 5 ngày không sử dụng thuốc nữa, màu mắt của bé trở lại như cũ.

Bác sỹ Vik Sharma, chuyên gia phẫu thuật mắt ở bệnh viện LondonOC, Anh, người không tham gia điều trị cho bé trai nói trên, cho biết "thông thường, màu mắt được xác định bởi mống mắt chứ không phải giác mạc và được xác định bởi lượng sắc tố có trong mống mắt lúc chào đời".

Tuy vậy, sắc xanh do thuốc Favipiravir gây ra có nguyên nhân gốc do cách mà mỗi cơ thể xử lý thuốc này. Khi thuốc được phân rã, nó có thể giải phóng ra các hóa chất huỳnh quang có thể tích tụ trong giác mạc - bác sỹ Sharma giải thích. Ở một số người, chất huỳnh quang này tích tụ ở tóc và móng.

Trong trường hợp của bé trai nói trên, các bác sỹ báo cáo rằng huỳnh quang có thể do thuốc, chất chuyển hóa của thuốc hoặc các thành phần bổ sung của thuốc như titan dioxide và ocide sắt màu vàng. Loại thuốc được kê cho bé đã được kiểm tra bằng tia UV trong phòng thí nghiệm và có phát ra ánh sáng huỳnh quang.

Sau hai tuần khỏi Covid-19, cậu bé đã được bác sỹ chuyên khoa mắt khám và kết luận không còn dấu hiệu đổi màu mắt ở cả hai mắt của bé. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu sau này bé có thể bị đổi màu mắt nữa hay không, bác sỹ ghi như vậy trong bệnh án.

Bác sỹ Sharma nói rằng: "cần tìm hiểu thêm để xác định nguyên nhân chính xác của việc thay đổi màu mắt và bất cứ tác dụng phụ lâu dài nào nếu có".

Các yếu tố như tuổi tác, thời gian điều trị và liều lượng thuốc sử dụng có thể ảnh hưởng đến tiến triển bất thường của các tác dụng phụ hiếm khi xảy ra và thời gian kéo dài hiện tượng mắt đổi màu trước khi chuyển về như cũ.

Nhưng vì tác dụng kỳ lạ này mới chỉ xảy ra ở ít người nên vẫn chưa rõ vì sao hay bằng cách nào mà thuốc Favipiravir lại làm thay đổi màu mắt của một số ít người, còn đa số mọi người vẫn không bị ảnh hưởng.

Cập nhật: 11/09/2023 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video