Các nhà khoa học tuyên bố 6 loài dơi mới cổ đại có niên đại cách đây 35 triệu năm vừa mới được phát hiện ở Ai Cập. Những loài mới được phát hiện bởi những chuyên gia phân tích 33 mẫu hóa thạch gồm răng và xương hàm được phát hiện trong thời gian vài thập niên ở El Faiyum, một ốc đảo cách Cairo 50 dặm về phía tây nam.
Gregg F. Gunnell, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Michigan, trưởng nhóm khảo sát, cho biết: “Kết quả thật ngạc nhiên, chúng tôi không hy vọng sẽ phát hiện được nhiều loài dơi mới như thế trong mẫu hóa thạch.”
Các chuyên gia rất ngạc nhiên khi những loài mới phát hiện tương tự như một số loài dơi nhỏ ngày nay, một nhóm dơi dùng sóng siêu âm để định vị và săn mồi, một quá trình gọi là định vị bằng sóng âm. Gunnell nói: “Điều khá lạ lùng là chúng đều là một trong những thành viên thưở sơ khai của những nhóm dơi hiện đại. Thường thì ta chỉ tìm thấy những loài dơi cổ xưa nhưng những con vật này đều là thành viên của những họ còn tồn tại.”
Mối liên hệ này là chứng cứ cho thấy loài dơi hiện đại tiến hóa từ châu Phi chứ không phải đến từ Bắc bán cầu như một số giả thiết đặt ra. “Xét về mặt nào đó, châu Phi là một môi trường khá khắc nghiệt cho sự tiến hóa của loài dơi hiện đại.”
Trong những loài mới phát hiện có một thành viên “khổng lồ” của họ dơi nhỏ, trước đây chưa từng biết, có lẽ là loài định vị bằng sóng âm lớn nhất từng được tìm thấy.
Những phát hiện hiếm có
Hóa thạch dơi mới có niên đại thuộc vào kỷ Eocene – cách đây khoảng 56 triệu đến 34 triệu năm – và những phát hiện như thế khá hiếm ở châu Phi. Chỉ còn một số ít những di chỉ rời rạc, vụn vặt ở Ai Cập, Ma-rốc, Tanzania và Tusinia từng được phát hiện.
Những mẫu vật hiếm có do nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Duke Elwyn L.Simons thu thập, người đã tìm kiếm hóa thạch động vật ở El Faiyum từ những năm 60. Simons cho biết, Ai Cập đặc biệt là El Faiyum, chứa những hóa thạch tốt nhất ở châu Phi thuộc giai đoạn khoảng cách đây 37 đến 27 triệu năm.
Simons phát biểu: “Khoảng cách 10 triệu năm này là một giai đoạn đáng chú ý trong lịch sử trái đất liên quan đến châu Phi. Châu Phi là một lục địa có ít những bãi trầm tích chứa các động vật có vú cổ - nhưng Ai Cập lại có những điều kiện đó.”
Hóa thạch dơi bị quên lãng trong nhiều năm cho đến một công trình gần đây nghiên cứu những chi tiết trên răng để xác định điểm giống và khác biệt với những loài dơi khác. Từ 33 mảnh hóa thạch, các chuyên gia xác định ít nhất 6 loài riêng biệt vừa được phân tích.
Tên của những loài mới sẽ được tiết lộ trong một bài báo xuất hiện trên ấn bản sắp phát hành của tạp chí Journal of Vertebrate Paleontology.
Hình minh họa một loài dơi mới phát hiện và được nhận diện từ những hóa thạch ở Ai Cập. (Ảnh: National Geographic) |
Loài dơi náo động
Các chuyên gia có thể nối xương hàm trên và xương hàm dưới và răng của những con dơi khác nhau và một nhóm dơi lớn đặc biệt của loài dơi nhỏ trước đây chưa từng được biết đến.
Theo Erik R. Seiffert, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Stony Brook, New York, tham gia cùng với Simons từ năm 1999 thì: “Đây là một trong những con dơi nhỏ có kích thước lớn nhất từng được phát hiện. Điều này thực sự ngạc nhiên.”
Loài dơi nhỏ (microbat) thường nhỏ hơn dơi đại (megabat), còn gọi là dơi ăn hoa quả, một loài chỉ sống ở các vùng khí hậu nhiệt đới và dựa vào khả năng đánh hơi hơn là định vị bằng âm thanh.
Gunnell cho rằng loài dơi nhỏ kích thước lớn có sải cánh gần 0.6m. Những chú dơi đại ngày nay có sải cánh khoảng 1m. “So với những con dơi định vị bằng sóng âm tồn tại ngày nay, những con dơi vừa ồn ào vừa náo động thì tôi nghĩ những con dơi cổ đại này cũng không kém gì.”
Tiến hóa
Các nhà cổ sinh vật học cho biết sự đa dạng của các loài phát hiện ở El Faiyum là bằng chứng cho thấy loài dơi tiến hóa ở châu Phi.
Giả thiết phổ biến trước đây từng cho rằng thủy tổ loài dơi giống như những con dơi hiện đại ngày nay qua một khoảng thời gian dài tiến hóa ở những lục địa phía Bắc. Tuy nhiên, hóa thạch dơi duy nhất được tìm thấy ở Bắc bán cầu lại rất ít giống với dơi hiện đại.
Theo Seiffert, khám phá mới thực sự đã chứng minh được loài dơi nhỏ có thể thực sự có nguồn gốc châu Phi. Còn theo Gunnell, thủy tổ loài dơi có mặt ở châu Phi cách đây khoảng 50 triệu năm, sau đó phân nhánh ra nhiều loài hiện đại. “Châu Phi có thể đóng vai trò quan trọng như là một nơi khởi nguồn cho sự tiến hóa của nhiều loài động vật mới."