Sẽ có “xăng sinh học” ở VN?

Điều chế xăng sinh học đang là hướng nghiên cứu thời sự mà nhiều nhóm khoa học ở nhiều quốc gia đang dốc sức đeo đuổi.

Tháp chưng cất cồn tinh khiết từ cồn công nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu ĐH Bách khoa TP.HCM - Ảnh: Quốc Thanh

Tại VN, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Khắc Chương, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng vừa công bố đã nghiên cứu thành công một qui trình công nghệ có thể sản xuất ra những loại hóa chất phục vụ điều chế xăng sinh học từ chính những nguồn nguyên liệu rẻ tiền của VN...

Ông Chương khẳng định hướng nghiên cứu điều chế xăng sinh học do ông chủ trì đã có thể đi đến sản xuất loại nhiên liệu này ngay tại VN.

Những nguyên liệu để sản xuất xăng sinh học chính là cồn công nghiệp tinh khiết 100% (hay còn gọi là ethanol) và một phần xăng hóa thạch. Giới khoa học trên thế giới đã chứng minh được khi pha một lượng cồn nhất định vào xăng với tỉ lệ cỡ 10%, hay 20% và thậm chí còn cao hơn nữa thì các động cơ vẫn hoạt động tốt.

Ông Chương nói rằng VN cũng là một thị trường tiêu thụ hàng triệu tấn xăng và dầu mỗi năm, trong khi khả năng tự cung tự cấp thì bằng không. Giả sử chỉ cần pha lượng 10% cồn công nghiệp tinh khiết vào xăng thì có lẽ khi tính đúng tính đủ sẽ tiết kiệm được một lượng ngoại tệ không nhỏ do giảm được lượng xăng phải nhập khẩu và giảm được ô nhiễm môi trường do phát thải của các phương tiện giao thông.

Đồng thời điều này sẽ mở ra ngành công nghiệp mới mà nguyên liệu chính chủ yếu từ nông nghiệp, giải quyết đầu ra lâu dài cho người nông dân. Nhưng đối với VN, theo ông Chương, còn một lợi ích lớn hơn nữa là có thể tận dụng những phế phẩm nông nghiệp, các loại nông phẩm như lúa gạo kém chất lượng... để sản xuất ra cồn pha vào xăng. “Chính vì vậy chúng tôi cho rằng việc sản xuất xăng sinh học tại VN sẽ mang lại hiệu quả kép” - ông Chương nói.

Tất nhiên để sản xuất được xăng sinh học đủ tiêu chuẩn thì nhất thiết phải có loại cồn 100% (cồn tuyệt đối), chứ không thể dùng cồn 95,5% (loại cồn này còn chứa nước). Bởi lẽ nếu dùng loại cồn còn chứa nước pha vào xăng thì có thể động cơ sẽ không hoạt động do hỗn hợp cồn - nước sẽ tạo ra một hỗn hợp khác cháy ở nhiệt độ cao. Nhưng sản xuất cồn tinh khiết 100% ở qui mô công nghiệp không phải là chuyện đơn giản.

Theo nhóm nghiên cứu của ông Chương, hiện trên thế giới có ít nhất ba giải pháp kỹ thuật để sản xuất cồn tinh khiết 100%, cụ thể: khử nước trong cồn bằng vôi, canxiclorua khan (khô); khử nước trong cồn bằng quá trình chưng cất ba chất đồng thời (ba cấu tử) như cồn, nước và thêm chất benzen; khử nước trong cồn bằng một chất hóa học hấp phụ đặc biệt (hay còn gọi là chất hấp phụ rây phân tử). Trong ba giải pháp kỹ thuật này thì giải pháp thứ ba được cho là tiên tiến nhất và kinh tế nhất hiện nay đối với VN.

Câu hỏi lớn đặt ra là VN có thể sản xuất được một loại hóa chất với giá rẻ dùng để giúp tạo ra cồn tinh khiết 100% được không? “Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tìm ra câu trả lời cách đây không lâu và loại hóa chất này được sản xuất từ chính nguồn nguyên liệu có ở VN. Chúng tôi đặt tên cho hóa chất này là BK-X1...” - ông Chương nói.

Ông Chương tiết lộ thêm nguồn nguyên liệu để có thể sản xuất được chất BK-X1 chính là cao lanh ở Lâm Đồng với trữ lượng lớn, khá dồi dào. Đây là chất hóa học BK-X1 có cấu trúc phân tử đặc biệt, bên trong có những lỗ rỗng có khả năng “nhốt” các phân tử nước. Vì vậy khi bỏ chất hóa học này vào trong cồn chứa nước (95,5%) thì chúng sẽ “ăn” hết nước có trong cồn, giúp cồn trở nên tinh khiết 100%.

Hiện tại nhóm nghiên cứu của ông Chương công bố đã hoàn chỉnh qui trình công nghệ và thiết kế, chế tạo mô hình pilot sản xuất cồn tuyệt đối 100%, đạt công suất khoảng 100kg/ngày và sử dụng loại hóa chất do chính nhóm nghiên cứu này chế tạo.

Ông Chương khẳng định một khi đã giải quyết được vấn đề sản xuất cồn tinh khiết 100% qui mô công nghiệp bằng công nghệ trong nước thì việc điều chế ra xăng sinh học có giá cả hợp lý là một việc làm nằm trong tầm tay của giới khoa học VN. Vấn đề còn lại là Nhà nước có chính sách khuyến khích thúc đẩy quá trình tất yếu này diễn ra một cách nhanh hơn hay không mà thôi.

GIÁNG HƯƠNG

Theo Tuổi Trẻ Online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video