Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện một điều chưa từng thấy trong thiên nhiên: một loài sên biển vừa là động vật như đồng loại nhưng lại có khả năng tổng hợp diệp lục tố (clorophyl) – chức năng cơ bản của thực vật.
Đây là một con sên biển màu xanh lục, nửa động vật, nửa thực vật, tự sinh ra clorophyl để thực hiện quá trình quang hợp, biến ánh sáng thành năng lượng. |
Những con sên biển màu xanh lá cây dường như đã lén lút đánh cắp gen tổng hợp diệp lục tố của rong biển mà chúng thường ăn. Với loại gen “mượn tạm” này, chúng đã thực hiện được quá trình quang hợp mà cây cối dùng để biến ánh nắng mặt trời thành năng lượng.
Giáo sư Sidney Pierce, một nhà sinh học nổi tiếng của ĐH Nam Florrida cho hay: "Loài sên biển này có thể tạo ra những phân tử chứa năng lượng để sống mà không cần ăn uống gì hết”.
GS Pierce đã nghiên cứu loài vật hết sức độc đáo, có tên khoa học là Elysia chlorotica này trong suốt 20 năm trời. Ông đã trình bày phát hiện quan trọng này của mình tại cuộc họp hàng năm của Hội sinh học tại Seattle vừa rồi và công bố trên Tạp chí Science News.
"Đây là lần đầu tiên người ta thấy một động vật đa bào lại có thể sản sinh ra diệp lục tố”, Pierce nói.
Những con sên biển sống ở vùng đầm lầy nước mặn ở Canada và New England. Cùng với việc ăn trộm gen để tổng hợp sắc tố xanh, các chú sên gian giảo còn đánh cắp các tế bào nhỏ li ti gọi là lục lạp (chloroplast) có chức năng điều khiển quá trình quang hợp, chuyển ánh nắng mặt trời thành năng lượng, giống như thực vật đã làm, nhờ vậy, chúng không cần ăn mà vẫn thu được năng lượng.
"Chúng tôi bắt được chúng và giữ trong bể mà không cho ăn nhiều tháng trời, mà chúng vẫn sống bình thường, chỉ cần chiếu những tia nắng mặt trời vào chúng 12 giờ một ngày” Pierce cho biết.
Các nhà nghiên cứu dùng chất đánh dầu phóng xạ để bảo đảm là những con sên này thực sự tạo ra được clorophyl chứ không phải “đánh cắp” chất màu mà tảo đã “làm sẵn” này.
Con cái của loài sên gian giảo ấy được truyền thụ lại khả năng tự tổng hợp clorophyl của bố mẹ, nhưng chưa thực hiện được quá trình quang hợp cho đến khi chúng ăn đủ một số lượng tảo để đánh cắp nốt chất lục lạp cần thiết vì chúng chưa đủ khả năng tự sinh ra chất này.
Sên thì đã thực hiện được một sự “trấn lột” ngoạn mục, nhưng các nhà khoa học thì vẫn bối rối, chưa hiểu được chúng làm thế này để “cài đặt” một đoạn gen rất khác biệt vào cơ thể mình.
Giáo sư Pierce rất dè dặt: “Rất có thể ADN chuyển được một cách tự nhiên từ loài này sang loài khác, nhưng theo cơ chế nào thì chúng tôi chưa hình dung ra”.