Các nhà sinh học đã phát hiện ra lý do vì sao sên biển (tên khoa học aplysia) bao giờ cũng để lại một vết chất nhầy trên bề mặt những nơi chúng đã bò qua. Hoá ra thiên nhiên đã dạy chúng làm như vậy để làm tê liệt khả năng đánh hơi của những kẻ thù muốn ăn thịt mình.
Kết luận của nghiên cứu này của các nhà khoa học Trường ĐH Georgia (Mỹ) được đăng trên Tạp chí Experimental Biology.
Chất nhầy do sên biển tiết ra là nhằm ngăn cản kẻ thù truy đuổi chúng.
Sên biển là một loài nhuyễn thể nằm trong họ ốc, nhưng trong quá trình tiến hoá, chúng bị mất đi chiếc vỏ cứng bao bọc bên ngoài. Khi bị loài săn mồi tấn công, giống như loài mực nang, chúng phun vào nước một chất lỏng có màu tím sẫm để nguỵ trang, làm kẻ thù “tối mắt” lại, không nhận ra mình nữa rồi bỏ trốn. Song trước đây các nhà sinh học vẫn chưa hiểu chất nhầy chúng để lại khi bò qua để làm gì.
Để tìm hiểu bí mật này các nhà sinh học đã làm nhiều thí nghiệm với tôm hùm là một trong những kẻ thù tự nhiên của sên biển, chuyên lùng chúng để ăn. Họ chiết lấy chất nhầy của sên biển (gọi là opalin vì chất này có màu trắng đục) bôi lên râu tôm hùm rồi thả cả hai đối thủ (kể cả tôm hùm không bị bôi opalin lên râu để làm đối chứng) vào bể để quan sát.
Sau khi đo hoạt tính điện của các tế bào thần kinh phụ trách việc cảm nhận hoá chất và vận động của tôm hùm các nhà khoa học thấy rằng những con tôm hùm nào đã bị bôi opalin lên râu đều không nhận ra con mồi, luôn luôn để chúng chạy thoát, trong khi những con đối chứng vẫn nhanh nhẹn bắt sên ăn thịt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cả chất lỏng màu tím và chất nhầy opalin do những tuyến khác nhau tiết ra đều được sên biển dùng làm vũ khí tự vệ. “Chất màu được sử dụng khi nguy cấp hơn như bị loài ăn thịt sắp (hoặc đã) tóm được, còn chất nhầy chỉ là để đề phòng”, ông Charles Derby, một trong những tác giả của bài viết giải thích.