Các sinh cảnh đồng cỏ quan trọng tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) đang được phục hồi, tạo điều kiện cho các loài sinh vật của Vườn phục hồi này và đặc biệt là sếu đầu đỏ- một loài chim quý hiếm bị đe doạ, đang xuất hiện trở lại và có chiều hướng phát triển.
Hiện nay, chỉ riêng trong khu A1, vùng lõi chính của Tràm Chim, diện tích cỏ năng ống là khoảng 935 ha, diện tích lúa ma là 242 ha, diện tích có sự xen lẫn giữa cỏ năng kim và cỏ năng ống là 242 ha, diện tích thuần cỏ năng kim là 31 ha.
Sếu đầu đỏ ở vườn quốc gia Tràm Chim
(Ảnh tư liệu: Nguyễn Văn Hùng)
Đặc biệt, có khoảng 3 ha cỏ Hoàng Đầu Ấn, đây là loài chịu được độ phèn cao. Khi có loài cỏ này xuất hiện, cỏ năng kim cũng xuất hiện ở gần; vì cả hai đều chịu được điều kiện đất chua phèn. Sự phục hồi các sinh cảnh đồng cỏ là kết quả của công tác quản lý thủy văn phù hợp với sinh thái đất ngập nước do Vườn quốc gia Tràm Chim tiến hành trong kế hoạch "Quản lý nước và lửa tạm thời".
Kế hoạch này đã được dự án "Bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước sông Mê Kông" hỗ trợ 100.000 USD, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đa ngành trong và ngoài nước.
Nguyên nhân dẫn đến cháy rừng ở Vườn quốc gia chàm chim trong những năm qua xảy ra liên tục, một phần cũng do sự khuyến khích bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái đất ngập nước như là hệ thống rừng đặc dụng. Chính vì vậy, các vùng đồng cỏ này bị suy thoái nặng nề do việc giữ nước cao trong Vườn quốc gia quanh năm để chống cháy.
Rừng tràm chỉ là một phần của hệ sinh thái đất ngập nước và có thể tái sinh sau khi cháy. Việc giữ nước cao quanh năm như vậy không phù hợp với chế độ thủy văn luân phiên của hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đồng Tháp Mười. Thực chất nó còn làm tăng rủi ro cháy với cường độ cao, vì sự tích lũy lá rụng thành lớp dày trong điều kiện yếm khí. Mặt khác, cây tràm bị ngâm trong nước lâu năm bị long gốc, nghiêng ngả và hình thành một lớp rễ chùm xung quanh gốc tạo điều kiện cho lửa leo lên thân và ngọn cây, có thể giết chết cây tràm.