Siêu hố đen di chuyển với tốc độ 177.000km/h

Hố đen nặng gấp 3 triệu lần Mặt trời trong thiên hà J0437+2456 có thể là kết quả của một vụ sáp nhập hoặc thuộc một hệ hố đen đôi.

Các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng hố đen siêu khối lượng có thể di chuyển ngoài không gian nhưng việc ghi lại cảnh tượng này rất khó. Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian vừa xác định được trường hợp hố đen siêu khối lượng di chuyển rõ ràng nhất đến nay. Kết quả nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Astrophysical hôm 12/3.


Thiên hà J0437+2456 chứa hố đen siêu khối lượng di chuyển nhanh. (Ảnh: Sloan Digital Sky Survey).

"Chúng tôi nghĩ đa số hố đen siêu khối lượng không di chuyển. Chúng quá nặng nên việc đó rất khó", Dominic Pesce, nhà thiên văn tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. Việc dịch chuyển các thiên thể nặng gấp hàng triệu lần Mặt trời này đòi hỏi tác động rất lớn.

Pesce cùng đồng nghiệp nỗ lực tìm kiếm hố đen siêu khối lượng di chuyển bằng cách so sánh vận tốc của chúng với các thiên hà trong 5 năm qua. "Chúng tôi đặt câu hỏi: Vận tốc của hố đen có bằng với vận tốc của thiên hà chứa chúng không. Nếu không, hố đen đó đã chịu một tác động nào đó", ông giải thích.

Nhóm nghiên cứu theo dõi 10 thiên hà xa xôi và các hố đen siêu khối lượng ở vùng trung tâm. Họ nhắm tới những đối tượng chứa nước bên trong đĩa bồi tụ - cấu trúc hình xoắn ốc xung quanh hố đen. Khi chuyển động quanh hố đen, nước tạo ra một tia sáng vô tuyến giống laser gọi là maser. Các nhà khoa học có thể đo đạc vận tốc của hố đen với độ chính xác cao nhờ maser và một hệ thống ăng-ten vô tuyến.

Nhóm chuyên gia xác định 9 trong 10 hố đen siêu khối lượng đang "nằm nghỉ", chỉ một hố đen khác biệt, dường như đang di chuyển. Nó có khối lượng gấp khoảng 3 triệu lần Mặt trời và nằm cách Trái Đất 230 triệu năm ánh sáng, ở trung tâm thiên hà J0437+2456. Các nhà thiên văn xác nhận lại điều này bằng những hình ảnh từ Đài quan sát Arecibo và Gemini. Họ cũng cho biết, hố đen đang di chuyển với vận tốc khoảng 177.000km/h bên trong thiên hà J0437+2456.

Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân hố đen này di chuyển. Họ đưa ra hai khả năng. Thứ nhất, đây là kết quả của hai hố đen va chạm và sáp nhập. Vụ sáp nhập có thể khiến hố đen mới giật lùi lại. Ngoài ra, hố đen này cũng có khả năng thuộc một hệ hố đen đôi hiếm thấy. "Bạn đồng hành" của nó chưa được phát hiện có thể do không phát ra tia maser.

Cập nhật: 15/03/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video