Anh Nikolai Mikhalnichuk, một cư dân thành phố Saratov, Nga vẫn sống khỏe mạnh bình thường dù trái tim đã “ngủ yên” hơn chục năm nay. Câu chuyện tưởng như chỉ có trong khoa học viễn tưởng này đã và đang thu hút sự chú ý của giới khoa học nhằm tìm hiểu những khả năng kỳ lạ trong cơ thể người.
Trường hợp hy hữu
Vì cô vợ Lydia nói muốn ly dị, do quá sốc nên anh Nikolai đột ngột lên cơn đau tim và phải đi cấp cứu. Khi bác sĩ kiểm tra điện tâm đồ, họ ngạc nhiên phát hiện, tim của bệnh nhân Nikolai đã ngừng đập, trong khi máu vẫn tiếp tục được đưa tới tim và các bộ phận khác. Theo khái niệm y khoa, tim là bộ phận quan trọng trong hệ tuần hoàn của động vật (trong đó có con người), với chức năng “bơm” đều đặn để đẩy máu theo các động mạch và đem dưỡng khí và các chất dinh dưỡng đến toàn bộ cơ thể; hút máu từ tĩnh mạch về tim sau đó đẩy máu đến phổi để trao đổi khí CO2 lấy khí O2. Một người bình thường với trái tim khỏe mạnh là như vậy. Nếu tim của người không tuân theo quy luật hoạt động trên đồng nghĩa với việc con người sẽ kết thúc ngay sự sống của mình, trừ khi có sự hỗ trợ kịp thời của các biện pháp y học. Nhưng trường hợp của Nikolai lại ngược lại và sự sống sót là phi thường. Các xét nghiệm sau đó tiếp tục cho thấy trái tim của Nikolai trên thực tế đã không hoạt động trong suốt một thời gian dài trước đó. Qua điều tra và lời tự thuật của Nikolai thì trong suốt thời gian đó, anh vẫn khỏe mạnh bình thường, không thấy bất kỳ có một biểu hiện nào bất thường.
Giáo sư Vitali Levitski, thuộc Viện Tim quốc gia Nga, bác sĩ trực tiếp chụp X-quang, cắt lớp cho bệnh nhân Nikolai nhớ lại: “Tôi không sao diễn tả được cảm xúc của mình vào thời điểm đó. Khi soi sâu vào trong ngực Nikolai, chúng tôi cảm nhận một sự mong manh khi đang cố gắng tìm kiếm “cái” đã và đang giúp Nikolai duy trì sự sống”.
Giáo sư Vitali Levitski cho biết, trường hợp của Nikolai Mikhalnichuk là người thứ 3 trên thế giới sống khỏe mạnh bình thường với trái tim ngừng đập. Hai người khác, một ở Nhật Bản và một ở Brazil. Giới y khoa từng ghi nhận trường hợp của cậu bé Paul Eicke đã trở lại với cuộc sống sau hơn 3 giờ trái tim đã ngừng đập. Bé đã bị ngã vào bể nước ở nhà ông bà trong nhiều phút, trước khi ông nhìn thấy và kéo bé lên. Ngay lập tức, ông của bé làm động tác hỗ trợ tim và hà hơi thổi ngạt trong thời gian chờ máy bay trực thăng đến (khoảng 10 phút). Các bác sĩ cấp cứu đã tiếp nhận Paul và chuyến bay mất 10 phút nữa để đến bệnh viện. Bác sĩ ra sức hồi sức cho Paul trong nhiều giờ sau đó. Họ chỉ ngừng lại sau 3 giờ 18 phút sau khi bé được mang vào viện, và trái tim của Paul bắt đầu đập một cách chủ động.
Sống không tim là thế nào?
Ngay sau khi đọc kết quả xét nghiệm của bác sĩ, Nikolai hoàn toàn bất ngờ, thậm chí anh còn không tin và yêu cầu làm đi làm lại các xét nghiệm liên tiếp. Kết quả vẫn là một: Quả tim của anh đã ngừng đập. “Khi các bác sĩ nói cho tôi biết về quả tim của mình, tôi đã bị sốc. Tôi tưởng rằng máu sẽ ngừng chảy trong cơ thể mình, và rồi tôi sẽ chết. Nhưng sau một thời gian, tôi quen dần và thậm chí đôi khi còn quên đi mất điều đó”, Nikolai chia sẻ.
Từ khi biết chính xác trái tim của mình đã không còn đập, Nikolai tập làm quen dần với cuộc sống của “người không tim”. “Thật là kinh ngạc, từ trước đến giờ, mọi người đều nghĩ rằng quả tim duy trì sự sống và nếu quả tim bị hư hại thì cuộc sống sẽ chấm dứt. Nhưng đối với tôi lại không như vậy. Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, như một người có đầy đủ cơ quan nội tạng khỏe mạnh khác. Với tôi, không tồn tại khái niệm “chết” = tim ngừng đập. Cuộc sống hàng ngày của tôi là một minh chứng”, anh thành thật nói. Trên thực tế, Nikolai vẫn có thể sống khỏe mạnh như người thường trong nhiều năm nữa. Anh vẫn sống, làm việc bình thường. Chỉ có điều anh ấy sẽ không được chơi một số môn thể thao đòi hỏi sự vận động cao, còn mọi sinh hoạt khác, kể cả sinh hoạt tình dục điều độ là hoàn toàn có thể được. Hiện tại, để an toàn hơn cứ mỗi tháng 1 lần, anh lại đến viện tim để được khám sức khỏe, mặc dù trái tim anh coi như đã chết. Điều đáng nói ở đây, mặc dù không còn tim mà vẫn sống khỏe mạnh trong khi Nikolai không hề tìm đến bất kỳ một sự trợ giúp, hỗ trợ nào từ các biện pháp y khoa.
Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, khoảng 5% dân số chỉ sống với 1 quả thận, 3,3% có một bên phổi và 1,9% không dạ dày. Khoảng 0,3% nam giới sinh ra mà không có tinh hoàn. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, những dị tật này chỉ có thể ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ chứ không gây tác động nhiều đến sức khỏe. Họ vẫn có thể có con và có cuộc sống ái ân sung mãn. Minh chứng là trường hợp của chị Anna, một phụ nữ Nga 27 tuổi vẫn mang thai và sinh con, mặc dù hai năm trước cô đã phải trải qua phẫu thuật cắt dạ con. Điều kỳ lạ là cái thai phát triển bình thường trong khoang bụng và Anna sinh con qua phẫu thuật.
Trong những trường hợp đặc biệt như trên, phải chăng cơ thể họ đã và đang được điều khiển bằng hệ thống nào khác mà chúng ta chưa biết (?).