Khi bị stress thì dây phế vị là thần kinh đi vào dạ dày sẽ bị kích thích, làm tăng tiết axit clohydric tạo cảm giác rát bỏng, xót khiến các tổn thương viêm, loét dạ dày, tá tràng.
Chị Nguyễn Mai Ngọc 40 tuổi hiện đang làm trưởng phòng kinh doanh cho một công ty bất động sản ở Lê Hồng Phong, Q.10, Tp.HCM. Trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, bất động sản đóng băng, nhà xây xong không có người mua trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả, khiến chị Mai nhiều lần điên đầu suy nghĩ. Công việc căng thẳng khiến cho chị thường xuyên bị stress, người mệt mỏi, dễ cáu gắt, ăn không ngon miệng.
Thời gian gần đây, chị Mai còn hay bị đau dạ dày, những cơn đau bất chợt ập đến khiến chị choáng váng, đứng không vững, mồ hôi vã ra từng giọt. Những cơn đau bụng ngày càng rút ngắn, trước kia thì chỉ 1 tuần/1 lần, sau đó chỉ 2-3 ngày/ lần.
Không thể chịu nổi chị Mai buộc lòng phải đi khám tại bệnh viện gần nhà. Các bác sĩ chẩn đoán chị Mai bị viêm loét dạ dày tá tràng, do căng thẳng thần kinh quá độ, chế độ ăn uống không hợp lý.
Mắc bệnh đau dạ dày phần lớn đều xuất phát từ thói quen ăn uống không điều độ và thường xuyên căng thẳng thần kinh.
Không nên chủ quan
Theo BS. Vũ Đức Chung (Trưởng khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Quân y 354, Hà Nội) cho biết: "Những bệnh nhân mắc bệnh đau dạ dày, tá tràng phần lớn đều xuất phát từ thói quen ăn uống không điều độ và thường xuyên căng thẳng thần kinh do áp lực từ công việc và cuộc sống khiến nhiều người thường xuyên lâm vào trình trạng stress, mất ngủ trong thời gian dài. Khi thần kinh căng thẳng sẽ làm tăng tiết nhiều axit HCl, một trong những nhân tố làm tổn hại niêm mạc, gây viêm và loét dạ dày".
Các triệu chứng đầu tiên của bệnh đau dạ dày thường chỉ thoáng qua như đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, chậm tiêu hóa... Người bệnh thường có cảm giác chán ăn, vì hệ tiêu hóa làm việc không tốt trong giai đoạn này. Những triệu chứng này thường không rõ rệt nên rất khó phân biệt với các bệnh tiêu hóa khác, khiến người bệnh thường chủ quan bỏ qua.
Nếu bệnh không được chữa trị từ đầu sẽ dẫn tới các biến chứng viêm loét dạ dày mãn tính sẽ gây ra các biến chứng sau đây: Chảy máu dạ dày, nôn ói ra máu tươi nguy hiểm tính mạng; thủng dạ dày gây viêm màng bụng, ung thư dạ dày.
Để giảm đau dạ dày
Tránh ăn các loại thức ăn chua, cay quá nhiều.
Theo BS. Vũ Đức Chung thì người bệnh nên cải thiện chế độ ăn uống giảm căng thẳng trong công việc, nên tuân thủ đúng giờ giấc ăn uống, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng. Nên ăn các loại thức ăn mềm, nhiều tinh bột, sẽ giúp cho dạ dày không quá tải trong hoạt động. Thực hiện ăn chậm, nhai kỹ giúp cho quá trình tiêu hóa thực phẩm dễ dàng. Các bữa ăn không nên quá no nê, ngưng ăn khi cảm giác no xuất hiện.
Tránh ăn các loại thức ăn chua, cay quá nhiều. Khi người bệnh có những dấu hiệu như đau thắt vùng thượng vị dữ dội, buồn nôn, đi đại tiện ra máu thì cần được nhập viện ngay để cứu chữa kịp thời. Trước khi ngủ không nên uống rượu, bia, caffein, trà...
Nên giảm tải số lượng công việc, làm việc theo một chu trình khoa học để tránh căng thẳng, dẫn tới những cơn co bóp không tốt làm tăng lượng acid clohydric được tiết ra trong dịch vị của dạ dày. Nên chăm sóc giấc ngủ chu đáo, ngủ đủ giấc để tinh thần được thoải mái.
Tập luyện sẽ giúp cho hệ miễn dịch họat động tốt hơn, cơ thể khỏe mạnh hơn, giảm tải stress giúp cho bạn ăn ngon miệng hơn, tránh được bệnh đau dạ dày. Nên tập các bài tập nhẹ nhàng như tập thở, yoga, đi bộ, aerobic...