Sử dụng Ometar phát triển nông nghiệp bền vững

Vụ lúa mùa-thu đông năm nay, các hộ nông dân ở 3 huyện Cầu Kè, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) rất vui mừng vì đã ứng dụng chế phẩm sinh học Ometar khống chế được dịch rầy nâu hại lúa, giảm chi phí 10 lần so với việc phun thuốc hóa học.

Sản phẩm này do chính tay họ tự sản xuất với sự hướng dẫn của các nhà khoa học thuộc Bộ môn Phòng trừ sinh học thuộc Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Nông dân Nguyễn Văn Huấn, ngụ tại ấp 3, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) phấn khởi cho biết, ông là một trong số nông dân trong huyện Cầu Kè được chọn tham gia mô hình tự sản xuất chế phẩm Ometar để phòng trừ rầy nâu.

Với 2ha lúa sản xuất trong vụ thu đông năm nay ông chỉ tốn 160.000 đồng để sản xuất chế phẩm Ometar nhưng đã khống chế được dịch rầy nâu, lúa phát triển tốt hiện đang chuẩn bị thu hoạch. Trong khi đó, nếu ông sử dụng thuốc hóa học tốn ít nhất không dưới 1,5 triệu đồng. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc với chế phẩm sinh học Ometar và Biovip. (Ảnh: Internet)

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất lúa giống ấp 3, xã Phong Thạnh đánh giá, hiệu quả của chế phẩm Ometar đã được khẳng định khi 10 thành viên trong câu lạc bộ tham gia sản xuất 4 ha lúa theo mô hình thực nghiệm; kết quả giảm chi phí diệt rầy đến 10 lần so với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất; không làm ô nhiễm môi trường, không tiêu diệt thiên địch.

Đặc biệt chế phẩm Ometar sử dụng trừ rầy nâu lúc lúa đang trổ là rất tốt vì không ảnh hưởng tới năng suất lúa. Trong khi đó, nếu lúc lúa đang trổ có rầy nâu phải phun thuốc hóa học thì ảnh hưởng tới sự thụ phấn của hạt, gây hạt lép nhiều và giảm năng suất.

Ông Nguyễn Văn Hồng Anh, Trưởng Phòng Khoa học-Công nghệ thuộc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Trà Vinh cho biết, Sở được Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh phê duyệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Ometar phòng trừ rầy nâu hại lúa và chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar ở quy mô nông hộ tại tỉnh Trà Vinh”.

Đề tài này hiện đang được triển khai thí điểm tại 3 huyện: Cầu Kè, Trà Cú và Châu Thành - đại diện cho 3 tiểu vùng sinh thái khác nhau. Tại huyện Cầu Kè thực hiện trên lúa cao sản, huyện Trà Cú trên trà lúa mùa và huyện Châu Thành trên vùng lúa-tôm, trong thời gian hết năm 2010.

Đặc biệt là chế phẩm sinh học Ometar tác động rất tốt đối với vùng đất sản xuất lúa-tôm. Hiện tại, hai xã trọng điểm lúa-tôm là Long Hòa và Hòa Minh (huyện Châu Thành) đã được chuyển giao qui trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar ở quy mô nông hộ.

Cán bộ địa phương và nông dân của 2 xã Long Hòa và Hòa Minh rất phấn khởi khi được tiếp nhận “quy trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar ở quy mô nông hộ” vì mô hình lúa-tôm không thể sử dụng thuốc hóa học. Riêng 25ha lúa-tôm của hai xã Long Hòa và Hòa Minh hiện đang ứng dụng chế phẩm sinh học Ometar, sau khi phun đợt đầu vào lúc lúa 40 ngày tuổi đã khống chế được rầy nâu cho tới nay và lúa đang làm đòng.

Sau nhiều năm nghiên cứu và chọn lọc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Bộ môn Phòng trừ sinh học thuộc Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long và cộng sự đã nghiên cứu, ứng dụng thành công hai chủng nấm xanh và trắng có tác dụng phòng trừ sâu hại cho cây trồng và rầy nâu hại lúa.

Từ chủng nấm xanh và nấm trắng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc đã cho ra đời hai chế phẩm sinh học là Ometar (nấm xanh) và Biovip (nấm trắng) ứng dụng rộng rãi trừ sâu, rầy hại lúa tại Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang...

Chế phẩm có hiệu lực bền lâu, thuốc có tác dụng lây lan mầm bệnh từ con rầy đã chết sang con rầy non mới nở trong một vụ lúa, nên chỉ phun một lần có thể duy trì hiệu quả trừ rầy cho suốt vụ. Ở giai đoạn lúa ngậm sữa có thể phun chế phẩm Ometar một lần để trừ bọ xít nếu lúa bị bọ xít tấn công. Chế phẩm Ometar còn được ứng dụng để trừ bọ cánh cứng hại dừa.

Theo tính toán, chi phí sản xuất 100 gói chế phẩm Ometar theo quy mô nông hộ chỉ tốn 752.100 đồng (nếu trừ hao hụt với tỷ lệ nhiễm tạp tối đa là 10%, còn lại 90 gói), như vậy 1 gói 500 gam có giá thành 8.400 đồng, 1 ha sử dụng 5 gói là 42.000 đồng/lần phun.

Một vụ lúa nông dân phun 2 lần chỉ tốn chi phí 84.000 đồng/ha, giảm rất nhiều so với phun thuốc hóa học bảo vệ thực vật để diệt rầy nâu. Riêng 6 xã của 3 huyện ở Trà Vinh, nông dân tự sản xuất chế phẩm Ometar nên tỷ lệ nhiễm tạp rất ít (1-5%), vì vậy mà giá thành thực tế tại tỉnh chỉ gần 40.000 đồng/ha cho 1 lần phun, nhưng tác dụng lại rất lớn đối với mùa màng./.

Theo TTXVN/Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video