5 mô hình nông nghiệp bền vững đã được đề xuất để xây dựng trên diện tích đất phèn, đất phèn nhiễm mặn nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng điều kiện sống của dân cư tại địa phương.
Trồng lan ở Bình Chánh, TP.HCM (Ảnh: Cao Xuân Vinh)
Đó là 5 mô hình trong báo cáo nghiệm thu ngày 30/7 của TS Trần Viết Mỹ và cộng sự, thuộc trung tâm khuyến nông TP.HCM, về “nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững trên vùng đất phèn, đất nhiễm mặn ở hai xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè” .
Theo đó, có 2 mô hình mang tính kế thừa là mô hình nuôi cá ghép ở ấp 3, xã Tân Nhựt, và mô hình nuôi heo kết hợp nuôi cá và trồng cây ăn trái. Ngoài ra, còn có 3 mô hình được xây dựng mới gồm mô hình nuôi cá cảnh, mô hình nuôi luân canh tôm sú với tôm càng xanh theo tiêu chuẩn VietGap, và mô hình lan cắt cành.
Nghiên cứu cũng cho thấy, việc áp dụng, triển khai và nhân rộng các mô hình trên đến năm 2012, thu nhập của mỗi hộ tăng 1,5 lần so với bình quân toàn huyện. Tuy nhiên, để hình thành các tập đoàn sinh thái như trên cần duy trì, giữ gìn môi trường nước, hình thành chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, gắn liền hoạt động sản xuất với bảo vệ môi trường và tôn tạo cảnh quan.