Sáng tạo vì sự phát triển bền vững

  •  
  • 179

Festival Sáng tạo trẻ năm 2006 vừa khép lại với hàng loạt nghiên cứu, đề xuất cải tiến kỹ thuật thể hiện trí tuệ và niềm say mê khoa học của tuổi trẻ Thủ đô. Rất nhiều đánh giá là mang tính thực tiễn cao, có ý nghĩa về mặt kinh tế, bảo đảm an toàn lao động và môi trường phát triển bền vững...

Thu hồi nước ngưng để gây quỹ Đoàn

Trong quá trình sản xuất, nước ngưng lại từ các nồi hơi của phần lớn các nhà máy được coi là nước thải. Thường thì các cơ sở sản xuất xả nguồn nước này cùng với nước thải công nghiệp ra ngoài môi trường. Đây thực sự là bài toán nan giải cho các nhà máy trong các khu công nghiệp khi nước thải có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho môi trường vùng dân cư xung quanh.

Trăn trở với vấn đề trên, kỹ sư Trần Phan Kiên, 26 tuổi, Bí thư Đoàn Thanh niên Cty cổ phần Ngân Sơn thuộc Xí nghiệp Chế biến nguyên liệu thuốc lá đã nghĩ ra cách tiết kiệm nước ngưng, thu hồi để tái sử dụng.

Dây chuyền này được anh mô phỏng một cách đơn giản: xây một bể chứa cách nhiệt đựng nước ngưng, có kích thước đủ để đựng lượng nước xả từ nồi hơi xuống. Lớp cách nhiệt sẽ không làm cho nước bị nguội đi sau đó dùng một hệ thống đường ống đưa nước quay trở lại các nồi hơi phục vụ cho dây chuyền sản xuất kế tiếp. Toàn bộ chi phí này lắp đặt ở xí nghiệp Chế biến nguyên liệu thuốc lá thuộc Công ty cổ phần Ngân Sơn với công suất 2 tấn/giờ chỉ mất khoảng 17 triệu đồng.

Cái "được” chính của dự án là tận dụng lượng nước sạch và lượng nhiệt còn nóng khoảng từ 80 đến 90 độ C để nhà máy không mất công đun lại. Nghe có vẻ rất đơn giản nhưng hệ thống cải tiến đã tiết kiệm được khoảng 120 triệu đồng/năm. Khi áp dụng đề tài này vào thực tiễn, không những nhà máy đã phần nào hạn chế được nỗi lo gây ảnh hưởng môi trường vì thực tế nếu thải lượng nước nóng gần 100 độ C ra ngoài môi trường thì khó có loại cây cỏ nào xung quanh khu vực có thể sống được.

Theo anh Kiên nhấn mạnh: "Điều quan trọng hơn qua việc thực hiện dự án là tổ chức Đoàn Thanh niên của chúng tôi có thêm tiền để gây dựng quỹ Đoàn. Bây giờ, chúng tôi đã không còn lo về kinh phí khi phát động triển khai bất cứ phong trào của Đoàn. Không những thế, vào mùa đông, cán bộ công nhân của nhà máy còn có đủ nước nóng sinh hoạt".

Để người thợ mỏ bớt nỗi nhọc nhằn

Kỹ Sư Nguyễn Đình Thống năm nay bước sang tuổi 32. Anh đang là Trưởng phòng Máy và Thiết bị mỏ - Viện Khoa học Công nghệ mỏ Việt Nam. Gắn bó với ngành Than mới được gần 5 năm nhưng chàng kỹ sư vóc dáng thanh mảnh này có rất nhiều trăn trở. "Mỗi lần xuống thăm mỏ thấy đời sống của công nhân vất vả, mình luôn có cảm giác không yên tâm...".

Chỉ tính riêng ở các mỏ có giếng than độ dốc cao, người công nhân mỗi ngày phải đi bộ từ dưới hầm lên gần 3 km trong vòng hơn 3 tiếng đồng hồ. Theo ước tính đơn giản, trong khoảng thời gian ấy, có tới 2/3 thời gian người công nhân phải đi bộ trong lòng đất hơn một tiếng còn lại, họ phải leo dốc để lên khỏi hầm. Người thợ khỏe mạnh nhất, trong lúc leo lên cũng cứ 5 phút phải đứng lại nghỉ lấy sức. Từ những mong muốn được sẻ chia khó khăn và nỗi nhọc nhằn với người thợ mỏ, Thống cùng gần 30 cộng sự, nghiên cứu đề tài: "Lắp đặt hệ thống tời hỗ trợ người đi bộ trong giếng phụ -25 : +32- Công ty Than Khe Chàm". Đề tài được chia làm ba giai đoạn:

1. Thiết kế kỹ thuật thi công hệ thống trợ lực người đi bộ;

2. Chế tạo cơ khí hệ thống trợ lực người đi bộ;

3. Lắp đặt và chạy thử hệ thống trợ lực người đi bộ tại giếng phụ -225++32.

Nguyễn Đình Thống cho rằng: Hệ thống sẽ giúp người thợ mỏ khi lên khỏi hầm không cần phải khó nhọc leo dốc. Họ chỉ cần bám tay vào dây cáp, hệ thống này được thiết kế theo nguyên lý tời quay trên mặt đất sẽ giúp họ chỉ cần bước đi một cách bình thường. Nó giống như khi ta leo lên núi, có người kéo tay ta giúp sức. Thực tế, đề tài của anh và các cộng sự đã được lắp đặt ở một số mỏ than Việt Nam và nhận được ủng hộ của Ban lãnh đạo ngành Than, đặc biệt là anh em công nhân mỏ.

Rồi đây, nhờ sự sáng tạo của đoàn viên Nguyễn Đình Thống và các cộng sự, hàng vạn người thợ lò sẽ bớt đi những giọt mồ hôi vất vả sau mỗi giờ tan ca vì đề tài đang tiếp tục được triển khai trên nhiều mỏ than của Tổ quốc. 

Theo Hà Nội mới, Nhân dân
  • 179