Sự thật về hình ảnh sao Hỏa đầu tiên chiếu trên TV

Tác phẩm đại diện cho ảnh cận cảnh đầu tiên về một hành tinh khác không phải ảnh chụp thực thụ mà được tô màu thủ công.


Mariner 4 là tàu vũ trụ đầu tiên chụp ảnh cận cảnh về một hành tinh khác. (Ảnh: NASA)

Hình ảnh đầu tiên về sao Hỏa chiếu trên TV năm 1965 hiện là một phần của cuộc triển lãm nhỏ tại Cơ sở Lắp ráp Tàu vũ trụ trong khuôn viên Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA ở Pasadena, bang California, CNN hôm 15/7 đưa tin. Tuy nhiên, tác phẩm đại diện cho hình ảnh đầu tiên về một hành tinh khác ngoài không gian này lại không phải ảnh chụp thực thụ.

Năm 1962, Mariner 2 trở thành tàu vũ trụ đầu tiên ghé thăm một hành tinh khác khi bay ngang qua sao Kim. Cột mốc này thôi thúc các kỹ sư NASA phát triển một dự án còn tham vọng hơn, đó là chụp ảnh các hành tinh từ ngoài không gian.

Ngày 5/11/1964, tàu Mariner 3 phóng lên vũ trụ. Tuy nhiên, con tàu mất điện chỉ sau 8 tiếng, khi vỏ che thiết bị không bung ra và các tấm pin Mặt Trời cũng không mở ra. Với lớp vỏ che được thiết kế lại nhanh chóng, Mariner 4 cất cánh vào ngày 28/11, bắt đầu hành trình kéo dài 228 ngày tới sao Hỏa. Con tàu mang theo camera truyền hình để chụp ảnh hành tinh từ khoảng cách gần, 6 dụng cụ khoa học để nghiên cứu bề mặt và khí quyển sao Hỏa.

Mariner 4 bay ở độ cao 9.845,5km phía trên bề mặt sao Hỏa vào đêm 14/7, chụp 22 bức ảnh về hành tinh này. Con tàu mang theo hệ thống chụp ảnh kỹ thuật số đầu tiên được sử dụng ngoài Trái đất. Hệ thống chuyển đổi tín hiệu tương tự của camera thành định dạng kỹ thuật số và chậm rãi truyền dữ liệu về Trái đất với tốc độ khoảng 8,33 bit mỗi giây. Tốc độ này đồng nghĩa, phải mất 10 tiếng để gửi một hình ảnh về Trái đất. Quá trình truyền tải cực kỳ chậm so với tiêu chuẩn ngày nay, trong khi lúc đó, giới truyền thông đã tập trung tại JPL và háo hức chờ đợi bức ảnh đầu tiên được công bố.


Các số tương ứng với các điểm dữ liệu trên băng giấy điện báo. (Ảnh: Dan Goods/NASA/JPL-Caltech).

Trong thời gian chờ đợi những hình ảnh đầu tiên, một số thành viên của nhóm phụ trách Mariner 4 đã quyết định tự giải quyết vấn đề. Richard Grumm, người giám sát hoạt động của máy ghi dữ liệu trên tàu Mariner 4, cùng các thành viên trong nhóm bắt đầu chuyển đổi dữ liệu kỹ thuật số từ con tàu thành các số như 1 và 0 trên băng giấy điện báo. Nhóm đã ghim các dải rộng 7,6 cm vào một bức tường di động và quyết định tô màu các con số dựa vào độ sáng của từng pixel. Họ coi đây là một cách để xác minh xem máy ghi dữ liệu có đang hoạt động và thu được ánh sáng phản chiếu từ hành tinh hay không.

Grumm chạy xuống một cửa hàng mỹ thuật để tìm phấn. Ông muốn sử dụng các sắc thái xám khác nhau, nhưng cửa hàng chỉ có một bộ phấn màu. Do đó, ông cùng đồng nghiệp đã sử dụng phấn màu nâu, đỏ và vàng. Khi các con số được tô màu, rìa của hành tinh dần hiện ra. Màu nâu sẫm được sử dụng để thể hiện khoảng trống của không gian. Các màu sáng nhất khắc họa sao Hỏa và màu cam thể hiện những đám mây trong khí quyển. Những ký hiệu màu đen từ ống kính máy ảnh cũng xuất hiện.

Điều này chứng tỏ camera đã hoạt động tốt, chụp được ảnh và dữ liệu thu được cũng tốt. "Mọi người đã lo sợ rằng nhiệm vụ không thành công. Hình ảnh mà chúng ta thấy ở đây là kết quả của việc các kỹ sư đang cố gắng kiểm chứng phần cứng, đảm bảo rằng nó hoạt động bình thường", David Delgado, nhà chiến lược văn hóa tại JPL, cho biết.

Bất chấp nỗ lực của nhóm truyền thông tại JPL, các nhà báo vẫn thấy được hình ảnh "tô màu theo số" này trước khi ảnh chụp thật được công bố. Do đó, nó trở thành hình ảnh về sao Hỏa đầu tiên chiếu trên TV. Mảnh tường dán băng giấy màu sau đó được xẻ ra, đóng khung và tặng cho giám đốc JPL William Pickering.


Phiên bản tô màu thủ công của bức ảnh do Mariner 4 chụp, hiện nằm trong triển lãm tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA ở Pasadena, bang California. (Ảnh: Dan Goods/NASA/JPL-Caltech).

Tàu Mariner 4 đã gửi về toàn bộ 22 ảnh chụp trong khoảng thời gian từ ngày 15/7 - 3/8/1965. Chúng cho thấy các hố trũng trên bề mặt và những đám mây lơ lửng trên khí quyển sao Hỏa, cả hai đều khiến giới khoa học ngạc nhiên. Mariner 4 đã tình cờ bay qua một trong những địa hình cổ xưa nhất sao Hỏa, nơi trông giống bề mặt đầy hố trũng của Mặt Trăng hơn.

Loạt ảnh của con tàu thể hiện chưa đến 1% bề mặt sao Hỏa và thiếu những đặc điểm đa dạng mà các nhiệm vụ sau này, ví dụ như Viking 1, sẽ chụp được. Tuy nhiên, những dữ liệu đầu tiên về sao Hỏa mà Mariner 4 gửi về đã thôi thúc mong muốn hiểu rõ hơn hành tinh đỏ. Mong muốn này vẫn tiếp tục đến ngày nay khi các robot tự hành Perseverance và Curiosity, trực thăng Ingenuity và nhiều tàu quỹ đạo nỗ lực khám phá thêm những bí mật của sao Hỏa.

Cập nhật: 18/07/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video