Sự thật về vương triều dài nhất trong lịch sử Ai Cập

Vương triều thứ 18 kéo dài từ khoảng năm 1550 đến năm 1292 trước Công nguyên là vương triều dài nhất trong lịch sử Ai Cập.


Hình khắc của vua Tut và pharaoh Ankhesenamun. (Ảnh: Alamy).

Ai Cập cổ đại nằm dưới sự trị vì của một loạt pharaoh trong hàng thiên niên kỷ. Giới sử gia chia thời kỳ này thành nhiều vương triều, trong đó các vị vua có quan hệ huyết thống hoặc chiếm ngôi của người trước đó. Vương triều thứ 18 kéo dài khoảng 250 năm của Ai Cập là vương triều dài nhất. Các nhà khoa học ước tính thời gian của vương triều thứ 18 bằng cách phân tích hàng loạt ghi chép và xác định niên đại bằng đồng vị carbon, theo Live Science.

Vương triều thứ 18 bắt đầu vào khoảng năm 1550 trước Công nguyên, khi Ahmose lật đổ Hyksos, một dân tộc có nguồn gốc từ châu Á cai trị Ai Cập cổ đại trong hơn một thế kỷ. Những pharaoh nối ngôi Ahmose mở mang lãnh thổ Ai Cập thành vương quốc kéo dài từ Sudan tới Syria ngày nay. Trong số 18 vị vua của vương triều thứ 18 có Tutankhamun hay vua Tut, vị pharaoh có lăng mộ nguyên vẹn được phát hiện bởi nhóm khảo cổ đến từ Anh năm 1922.

Các sử gia thường chia lịch sử Ai Cập thành 30 vương triều. Mặc dù vương triều thứ 18 là triều đại dài nhất theo mô tả của Manetho, người viết lịch sử bằng tiếng Hy Lạp vào thế kỷ 3 trước Công nguyên, thời gian người Hy Lạp và La Mã thống trị Ai Cập lâu hơn. Thời kỳ người Hy Lạp cai trị Ai Cập bắt đầu vào năm 332 trước Công nguyên, khi Alexander Đại đế xâm chiếm nước này. Trước đó, khu vực nằm dưới sự kiểm soát của người Ba Tư. Sau khi Alexander chết vào năm 323 trước Công nguyên, vương quốc của ông sụp đổ và Ptolemy, một trong những vị tướng của Alexander trở thành vua của Ai Cập. Hậu duệ của Ptolemy tiếp tục cai trị Ai Cập trong gần 300 năm cho tới khi nữ hoàng Cleopatra qua đời vào năm 30 trước Công nguyên.

Sau cái chết của Cleopatra, hoàng đế La Mã Augustus gộp Ai Cập thành một tỉnh thành của đế quốc La Mã. Dù các hoàng đế La Mã hiếm khi tới Ai Cập, những tác phẩm nghệ thuật cho thấy họ được xem như pharaoh. Khi đế quốc Tây La Mã sụp đổ vào năm 476, đế quốc Đông La Mã với kinh đô đặt ở Constantinople, tiếp tục kiểm soát Ai Cập cho tới năm 646.

Cập nhật: 18/04/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video