Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) từ lâu đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất Tây Bắc, thu hút nhiều bạn trẻ cũng như các nhiếp ảnh gia, blogger,... tới check-in. Nơi đây có những thửa ruộng bậc thang nằm trên các sườn núi, trải dài với diện tích khoảng 2.200 ha thuộc địa bàn 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình.
Mặc dù hành trình tới Mù Cang Chải phải trải qua nhiều đoạn đường đèo dốc quanh co khá khó khăn nhưng khi đặt chân tới đây, du khách sẽ được đền đáp công sức xứng đáng bởi những khung cảnh kì vĩ.
Đến Mù Cang Chải, nếu như ban ngày, du khách được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang thơ mộng thì buổi tối lại được thỏa tầm mắt ngắm dải ngân hà trên bầu trời khuya. Nhiều du khách cũng nhận xét rằng, Mù Cang Chải là một trong những địa điểm chụp ảnh dải ngân hà đẹp nhất Việt Nam.
Ở những vùng không bị ô nhiễm ánh sáng và hội tụ đủ yếu tố cần thiết về điều kiện tự nhiên như Mù Cang Chải, du khách hoàn toàn có thể ngắm nhìn dải ngân hà đẹp kỳ ảo bằng mắt thường. Tuy nhiên, để lưu lại trọn vẹn khoảnh khắc đẹp như trong phim này thì cần phải có thiết bị chụp hình chất lượng.
Từng có cơ hội chiêm ngưỡng và ghi lại những bức hình về dải ngân hà trên khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân chia sẻ rằng, Mù Cang Chải là nơi để lại cho anh nhiều trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Mỗi thời điểm, dải ngân hà sẽ xuất hiện vào những khoảng thời gian khác nhau.
Tuy nhiên, thời điểm thích hợp nhất để chụp ảnh dải ngân hà ở Mù Cang Chải là vào tháng 9, tháng 10, sau 6h30 phút tối. Nơi đây cũng có nhiều góc chụp đẹp, càng giúp việc ghi lại khoảnh khắc dải ngân hà thêm thuận lợi hơn.
Để “săn” được những bức ảnh dải ngân hà độc đáo, anh Nhân phải chuẩn bị “đồ nghề” rất kì công. “Phải chọn thời điểm phù hợp và một tầm nhìn thoáng, không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng đèn điện hay ánh trăng thì mới có thể chụp dải ngân hà rõ nét nhất. Thường sẽ chụp tiền cảnh trước khi trời chưa quá tối, dùng kỹ thuật phơi sáng lâu hoặc một số mẹo như quét đèn pin, đốt thêm tí lửa,.. để giúp cho tiền cảnh sáng hơn. Chụp tiền cảnh xong thì mình vẫn dựng chân máy cố định như vậy và chờ thời điểm dải ngân hà xuất hiện rõ nhất trên trời là bắt đầu chụp”, anh Nhân chia sẻ.
Tuy không phải lần đầu chụp ảnh dải ngân hà nhưng đây là lần mà nhiếp ảnh gia này đầu tư thời gian, công sức và tâm huyết nhất. Từ khi dựng chân máy đến lúc chụp, anh Nhân tốn khoảng 3 giờ đồng hồ mới cho ra được những bức hình dải ngân hà đẹp như trong phim.
Trước đó, nhiếp ảnh gia này cũng từng chụp dải ngân hà ở một số địa điểm như công viên Thủy Tiên (Huế), Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), biển Tân Thành (Tiền Giang),...
Ngoài sự hỗ trợ của thiết bị máy móc chất lượng, người chụp cần phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật chụp hình. Trong ảnh là khoảnh khắc chụp dải ngân hà ở Tà Xùa (Sơn La)
Ở Việt Nam, thời điểm chụp dải ngân hà đẹp nhất là từ tháng 3 tới hết hè (miền Trung). Miền Nam và Bắc thì chọn thời điểm không mưa, trời quang. Các nhiếp ảnh gia hay tránh ngày rằm để không bị dính trăng. Ảnh chụp tại Cần Giờ (TP HCM)
Ảnh chụp tại Hồ Thủy Tiên (Huế)
Ảnh chụp tại mũi Dinh (Ninh Thuận)