Đau răng, một cậu bé lớp 9 ở Gò Vấp, TP HCM, được mẹ cho uống một viên thuốc giảm đau của người lớn. Khoảng 15 phút sau, em bỗng nổi mẩn đỏ toàn thân, than mệt, lịm dần và ngất xỉu.
Tại bệnh viện quận, chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ do dùng thuốc, các bác sĩ đã dùng những biện pháp cấp cứu tích cực và điều trị theo phác đồ sốc thuốc. Tuy nhiên gần một ngày sau, tình trạng sức khỏe của em vẫn không cải thiện.
Bệnh nhân được chuyển đến khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng sốc, khó thở, mạch yếu, tím tái toàn thân.
Tại đây, ngoài việc trợ thở bằng máy, cho dùng thuốc vận mạch, các bác sĩ đã tiếp tục điều trị theo phác đồ sốc phản vệ. Sau gần một tuần, đến trưa nay, tình trạng sức khỏe của cháu mới tiến triển dần.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyên, khi thấy trẻ bị bệnh, thay vì tự ý mua thuốc cho trẻ uống, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ hoặc nha sĩ để được chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Với những cơ địa từng bị sốc thuốc (tức phản ứng xấu sau khi uống thuốc), phụ huynh (hoặc người bị sốc) cần ghi lại tên loại thuốc gây sốc để báo cho bác sĩ ở những lần bệnh sau. "Việc làm này giúp bác sĩ không kê toa những loại thuốc mà con bạn hoặc chính bạn từng bị phản ứng", một dược sĩ cho biết.