Tại sao con trai lại vỡ giọng khi dậy thì?

Tuổi dậy thì vốn đi kèm với những khoảnh khắc đáng xấu hổ không thể tránh khỏi, nhưng những bé trai còn phải đối mặt với một dấu hiệu rất rõ rệt cho thấy cơ thể mình đang thay đổi: vỡ giọng.

Trên thực tế, việc vỡ giọng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, và không có gì đáng lo ngại khi điều đó xảy ra cả. Đó là một trong những cột mốc quan trọng đối với nam giới khi họ trải qua giai đoạn dậy thì. Nhưng bạn có thắc mắc tại sao giọng lại vỡ không? Và tại sao chỉ có các bé trai mới bị vỡ giọng?

Câu trả lời ngắn gọn: khi thanh quản phát triển lớn hơn, và dây thanh âm giãn ra để tạo ra âm vang hơn, thì giọng của bé trai sẽ bị tụt xuống gần một quãng tám. Tuy nhiên, nhiều yếu tố, bao gồm tốc độ tăng trưởng khác nhau và những điều chỉnh về mặt nhận thức, không tạo cơ hội cho giọng nói thay đổi kịp thời với những khả năng mới của nó, và thế là giọng bị vỡ ra.

Tuổi dậy thì

Khi bé trai và bé gái lớn lên, thường là trong độ tuổi từ 9 - 16, một loạt những thay đổi sẽ diễn ra trong cơ thể. Các bé thường trải qua một giai đoạn phát triển nhanh đột ngột, râu sẽ bắt đầu mọc đối với bé trai, và những đặc tính thứ cấp bắt đầu xuất hiện. Quá trình bùng phát hormone trong cơ thể này có thể rất khó chịu, và đối với những cô cậu bé, những thay đổi trong độ tuổi dậy thì thường khá đáng sợ. Tuy nhiên, những thay đổi này lại hoàn toàn bình thường, và dù nó có thể khiến bạn rơi vào những tình huống dở khóc dở cười, phát điên lên vì khuôn mặt sần sùi toàn mụn, hay luôn trong tình trạng tò mò về tình dục, tuổi dậy thì đơn giản là chẳng làm hại bạn được.


Vỡ giọng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và không có gì đáng lo ngại.

Những thay đổi trong cơ thể ở giai đoạn này sẽ dẫn đến sự phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau, từ chiều cao và độ rộng bờ vai, đến những chi tiết nhỏ hơn, như cơ bắp và các cơ quan bên trong cơ thể, những thứ bạn thậm chí chẳng hề nhận ra. Tuổi dậy thì ảnh hưởng đến các cô nhóc, cậu nhóc theo một vài cách tương tự nhau, và cả khác nhau nữa. Nhìn chung, quá trình dậy thì bắt đầu như nhau: não bạn sẽ tiết ra một hormone gọi là hormone tiết gonadotropic (GnRH). Nó sẽ kích thích một loạt các hormone từ tuyến yên, cụ thể là hormon luteinizing (hormone sinh dục) và hormone kích thích nang. Những hormone đặc biệt này đều có ở cả hai giới, nhưng chúng ảnh hưởng lên những phần khác nhau trên cơ thể; lý giải cho việc không phải lông đều mọc ở những vị trí như nhau trên cơ thể đối với nam giới và nữ giới.

Những hormone nói trên tham gia vào quá trình biến đổi những cô cậu bé tuổi teen thành những con người trưởng thành với lượng hormone tăng cao hơn trước, và có thể duy trì trong suốt 30 - 40 năm tiếp theo. Xương mặt lớn lên, các cơ quan sinh dục phát triển, kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện, cùng nhiều thay đổi đáng kể khác. Một trong những tác động rõ rệt nhất của những hormones này - bên cạnh việc đôi lúc có thể giúp chiều cao của bạn tăng thêm 15cm chỉ trong 9 tháng - chính là việc làm vỡ giọng của bé trai. Việc này có gây xấu hổ không? Có lúc đấy. Nhưng nó có bình thường không? Hoàn toàn bình thường!

Vỡ giọng ở bé trai

Khi nhắc đến vấn đề vỡ giọng, người ta hiếm khi nghĩ đến bé gái, và đó là bởi sự thay đổi trong giọng nói của các bé gái ít rõ rệt hơn, chỉ giảm đi vài nốt - từ giọng nói với âm thanh ngắn và âm vực cao, thành giọng người trưởng thành. Ở các bé trai, sự thay đổi có thể lên đến một quãng tám hoặc nhiều hơn, rất dễ nhận ra. Do đó, dù vỡ giọng quả thực có ảnh hưởng đến các bé gái, hiệu ứng đối với các bé trai thể hiện rõ rệt hơn nhiều.

Cơ chế khoa học đằng sau hiện tượng vỡ giọng cho thấy sự phức tạp và vẻ đẹp của cơ thể con người. Như đã đề cập đến ở trên, vô số phần của cơ thể bắt đầu phát triển mạnh khi bước vào tuổi dậy thì, bao gồm thanh quản. Trước tiên, mọi thứ bắt đầu với không khí trong phổi bạn. Khi bạn muốn tạo ra một âm thanh (nói chuyện, hát,...), bạn sẽ đưa không khí đó vào khí quản, đẩy nó lên trên bằng cơ hoành. Khi ra khỏi khí quản, không khí phải đi qua một lỗ nhỏ mà ở cả hai bắt đều có các dây thanh âm. Đây chính là thanh quản của bạn, và các cơ dính vào nó cực kỳ nhạy cảm. Khi căng ra hay thư giãn, chúng khiến các dây thanh âm rung lên, phát ra một luồng không khí dưới dạng âm thanh.

Các dây thanh âm càng căng sẽ tạo ra tần số càng cao, trong khi độ căng ít sẽ tạo ra tần số thấp hơn. Khi trẻ em còn nhỏ, các dây thanh âm của chúng chưa phát triển hoàn chỉnh, có nghĩa là chúng mỏng và bị hạn chế, dẫn đến phát ra âm thanh có tần số cao hơn, giống như dây đàn piano vậy. Âm vực càng cao, dây càng mỏng hơn và kéo càng căng hơn.

Khi các bé trai trải qua quá trình bùng nổ hormone trong giai đoạn dậy thì, như testosterone, sụn và cơ trong cổ họng chúng bắt đầu mở rộng, khiến dây thanh âm dài hơn, dày hơn, có thể phát ra những tần số thấp hơn. Với một thanh quản lớn hơn, dây thanh âm có thể cộng hưởng trong không gian đó, cho phép bé trai có giọng nam cao chuyển thành giọng nam trầm chỉ trong vòng một năm. Như đã nói ở trên, kích cỡ xương mặt và lỗ xoang cũng tăng lên, cho phép giọng nam có những âm vực sâu hơn.

Tuy nhiên, những điều phức tạp này không giải thích được vì sao giọng lại vỡ...

Tại sao các bé trai lại có giọng the thé?

Những thay đổi trong giai đoạn dậy thì diễn ra nhanh hơn so với bất kỳ quãng thời gian nào khác trong đời, có lẽ là trừ những năm đầu đời khi chúng ta còn là trẻ sơ sinh. Với việc có quá nhiều thứ trong cơ thể đang thay đổi, sẽ có lúc xảy ra sự phát triển không đồng đều giữa các dây thanh âm và sụn thanh quản, và trí óc chúng ta cũng không phản ứng kịp để thích ứng với những thay đổi mới mẻ này. Các bé trai không phải lúc nào cũng kiểm soát được thanh đới hay những cơ vừa được gia cố của chúng, và giọng nói sẽ "vỡ" ra thành âm vực trước đó - hoặc thậm chí là cao hơn.

Các dây thanh âm của các bé trai phát triển nhanh gấp gần 2 lần so với các bé gái trong giai đoạn dậy thì, và khi dậy thì kết thúc, dây thanh âm của chúng sẽ dài gấp 1,5 lần so với các bạn khác giới. Với đà tăng trưởng nhanh như vậy, trí óc không thể xử lý kịp cũng là điều dễ hiểu! Giai đoạn vỡ giọng này có thể diễn ra trong vài tháng, hoặc vài năm, là kết quả của việc cơ thể và trí óc không ăn khớp một cách hoàn hảo với nhau trong quá trình chuyển đổi từ trẻ thơ sang trưởng thành.

Bạn có thể cảm thấy khó chịu một chút vì giọng nói bất ngờ vỡ ra, nhưng điều đó thường chỉ xảy ra một lúc mà thôi, và mọi người đều sẽ trải qua điều đó. Xét cho cùng, đây là một dấu hiệu của sự trưởng thành, chỉ có điều không phải là dấu hiệu duyên dáng nhất mà thôi!

Cập nhật: 31/12/2020 Theo vnreview
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video