Bạn đã bao giờ chẳng may giẫm phải kẹo cao su chưa? Nếu rồi thì chắc chắn bạn sẽ hiểu nó dính đến thế nào. Dù bạn cố gỡ ra khỏi giày nhưng miếng kẹo cao su ấy chỉ bị kéo giãn ra rồi dính vào tay bạn và nhiều chỗ khác. Vậy tại sao kẹo cao su lại dính như vậy?
Mỗi loại kẹo cao su lại có một công thức chế biến khác nhau.
Theo Wonderopolis, mỗi loại kẹo cao su lại có một công thức chế biến khác nhau. Tuy nhiên có một số nguyên liệu luôn có trong tất cả các loại ví dụ như vị ngọt có được là nhờ đường và hương liệu. Kẹo cao su kéo giãn được là do các nguyên liệu polyme, chất làm mềm dẻo như sáp ong tự nhiên hoặc sáp paraffin, và chất dẻo tạo độ chắc. Những nguyên liệu này đồng thời cũng tạo độ dính cho kẹo cao su.
Polyme trong kẹo cao su là chất kị nước. Khi nhai, nước bọt sẽ phân hủy đường và hương liệu nhưng polyme thì không. Tuy vậy polyme lại hút dầu nên khi tiếp xúc với những bề mặt trơn như mặt đường, đế giày, tay và tóc, 2 bên sẽ dính chặt với nhau. Chuỗi các chất dính hóa học có trong polyme sẽ làm việc lau chùi trở nên khó khăn hơn vì chúng có xu hướng bị giãn ra.
Các nhà khoa học đang phát triển một loại polyme mới có thể thấm nước, tức là khi tiếp xúc với nước, chất này sẽ bị phân hủy trong một thời gian ngắn. Vậy trong tương lai liệu có thể có kẹo cao su không dính không? Chính phủ của một số thành phố rất hy vọng điều này sẽ thực hiện được. Tại London, Anh, mỗi năm chính phủ tiêu tốn gần 4 triệu đô la để chi trả cho việc gỡ kẹo cao su ở những nơi công cộng như trên tàu và ga điện ngầm.