Tại sao nam giới đổ mồ hôi nhiều hơn phụ nữ?

Cùng điều kiện vận động và chất lỏng được đưa vào cơ thể tương đương, nữ giới tiết ra lượng mồ hôi chỉ bằng một nửa so với đàn ông.

Không ai thích đổ mồ hôi, tuy nhiên, đây lại là hiện tượng sinh lý tự nhiên và cần thiết cho cơ thể chúng ta. Lượng mồ hôi tiết ra ít hay nhiều phụ thuộc vào lối sống, hành vi, cách vận động..., của mỗi cá nhân.

Theo Medicinenet, trung bình mỗi người có khoảng 2 triệu tuyến mồ hôi. Tuyến này được hoạt động hoàn toàn tự động, hệ thần kinh không thể can thiệp đến quá trình tiết mồ hôi. Thông thường, cơ thể tự toát mồ hôi để giữ thân nhiệt luôn ở dưới mức 37 độ C.

Vì sao chúng ta đổ mồ hôi?

Theo CNA, đầu tiên, đổ mồ hôi là cách cơ thể tự hạ nhiệt. Ray Loh, nhà sinh lý học cao cấp thuộc khoa Phẫu thuật chỉnh hình của Bệnh viện Tan Tock Seng (Singapore), cho biết đổ mồ hôi nhiều có nghĩa là bạn giải tỏa nhiệt mà cơ thể tạo ra khi di chuyển tốt hơn.

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao phần sau áo của mình thường xuyên bị ướt do mồ hôi, ngay cả khi chỉ là đi bộ qua đường trong vài phút? Theo Giáo sư Jason Lee, chuyên gia của khoa Sinh lý, Trường Y khoa NUS Yong Loo Lin, điều này do phần lưng trên là nơi dễ đổ mồ hôi nhất.

"Bạn càng khỏe mạnh, bạn càng dễ đổ mồ hôi. Lượng mồ hôi tạo ra rất khác nhau giữa các cá nhân. Nó có thể dao động từ khoảng 200 ml đến hơn 1 lít", Giáo sư Lee cho biết.

Ngoài ra, việc đổ mồ hôi có thể giúp cơ thể thanh lọc do nhiều độc tố cũng bị đẩy ra ngoài trong quá trình trao đổi chất. Bên cạnh đó, việc ra mồ hôi còn có khả năng làm sạch các lỗ chân lông bị bít kín bởi chất nhờn và bụi bẩn.

Đổ mồ hôi cũng giúp tăng cường sức đề kháng. Trong quá trình đổ mồ hôi, lớp màng hydrolipid film được tạo ra có tác dụng làm ẩm bề mặt da và tăng miễn dịch cho da, ngăn ngừa các tác nhân gây hại từ môi trường.


Đổ mồ hôi là quá trình để cơ thể hạ nhiệt. (Ảnh: Medicalnewstoday).

Nam giới dễ đổ mồ hôi

Theo Healthline, cân nặng, mức độ thể chất, nhiệt độ cơ thể và hormone ảnh hưởng đến lượng mồ hôi mà cơ thể tiết ra. Trong khi cả 2 giới đều có lượng tuyến mồ hôi hoạt động tương đương, đàn ông tiết ra nhiều mồ hôi ở mỗi tuyến hơn phụ nữ. Đây là lý do đàn ông đổ mồ hôi nhiều hơn phụ nữ.

Ngoài ra, nam giới cũng thường nặng và nhiều cơ hơn. Cân nặng lớn khiến cơ thể tạo ra nhiều nhiệt hơn khi hoạt động, dẫn đến đổ mồ hôi nhiều hơn. Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Experimental Physiology, trong cùng điều kiện vận động như nhau, với lượng chất lỏng được đưa vào cơ thể tương đương, nữ giới chỉ tiết ra khoảng 0,57 lít mồ hôi mỗi giờ so với 1,12 lít ở nam giới.

Cũng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học phát hiện dù lượng mồ hôi tiết ra nhiều gấp đôi, thân nhiệt của nam giới vẫn cao hơn một chút so với nữ. Họ cho rằng cơ chế giảm nhiệt ở nam giới hoạt động mạnh nhưng kém hiệu quả hơn. Lý do là nam giới có hệ thống cơ bắp nhiều hơn về số lượng, vì vậy, chúng sẽ sản sinh nhiều nhiệt.

Testosterone cũng là lý do đằng sau việc đổ mồ hôi quá nhiều của nam giới. Tiến sĩ Joshua Li, chuyên gia y học thể dục và thể thao của Bệnh viện Đa khoa Changi, cho biết: "Testosterone tăng cường phản ứng đổ mồ hôi. Có ý kiến ​​cho rằng tỷ lệ mồ hôi tăng lên ở nam giới chủ yếu là do sự gia tăng rõ rệt của testosterone sau tuổi dậy thì ở các bé trai".


Nam giới thường đổ mồ hôi nhiều hơn phụ nữ. (Ảnh: Express).

Đổ mồ hôi nhiều có phải do cơ thể đốt cháy nhiều calo?

Sự thật là đổ mồ hôi nhiều hơn không có nghĩa bạn đang đốt cháy nhiều calo. Nhiều người có quan niệm sai lầm này vì họ nhận thấy lợi ích giảm cân sau khi tập luyện nặng, đổ mồ hôi. Tuy nhiên, điều này phần lớn là do mất nước.

Tiến sĩ Lee khẳng định đây là quan niệm sai lầm. Bạn không đốt cháy lượng calo lớn hơn khi đổ mồ hôi nhiều. Cảm giác khó tập thể dục hơn là do sức căng nhiệt cao, chứ không phải vì tiêu hao nhiều năng lượng.

Ray Loh đã tóm tắt mối quan hệ giữa đổ mồ hôi và đốt cháy calo theo cách này: Đốt cháy calo tạo ra nhiệt, do đó, khiến cơ thể đổ mồ hôi để hạ nhiệt, cho phép bạn tiếp tục thực hiện bài tập của mình. Vì vậy, mức độ đốt cháy calo phụ thuộc vào cường độ hoạt động của bạn - chứ không phải lượng mồ hôi tiết ra.

"Đổ mồ hôi không phải là tín hiệu cho thấy bạn đã tập thể dục hiệu quả. Lợi ích của việc tập luyện phụ thuộc vào khối lượng công việc đã hoàn thành, và thể lực không được đo bằng lượng mồ hôi", Loh nhận định.

Cập nhật: 22/04/2021 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video