Chân dung Krjin, "người Neanderthals đầu tiên của Hà Lan" vừa được ra mắt công chúng. Cư dân Hà Lan và nhiều quốc gia khác ở châu Âu vẫn còn mang dấu vết khá rõ của những vị tổ tiên khác loài này trong DNA.
Tác phẩm được tạo nên bởi "anh em nhà Kennis", một cặp "nghệ sĩ cổ đại" chuyên tái hiện những con người và sinh vật dựa trên các bằng chứng hóa thạch và các dữ liệu mà mới khoa học đã thu thập được từ mẫu vật và qua quá trình phân tích.
Chân dung người đàn ông khác loài sống ở vùng đất phương Bắc đã mất 50.000-70.000 năm trước - (Ảnh: Đại học Leiden/Viện Max Planck)
Hóa thạch Krjin chỉ là một mảnh xương sọ được tìm thấy trên bãi biển ở tỉnh Zeeland hơn 1 thập kỷ trước. Các nhà cổ sinh học Hà Lan đã mất nhiều năm để đối chiếu những mảnh hài cốt Neanderthals tìm được khắp nơi trên thế giới để dần chần chắp nối dữ liệu.
Cuối cùng, mới đây, nhóm khoa học gia từ Đại học Leiden và Viện Max Planck ở Leipzig đã từng bước xây dựng thành công khuôn mặt của vị tổ tiên khác loài này bằng mô hình 3D trong máy tính, rồi phối hợp với 2 nghệ sĩ điêu khắc đặc biệt để dần hoàn thiện chân dung Krjin.
Mảnh sọ được tìm thấy - (Ảnh: Đại học Leiden/Viện Max Planck)
Một trong những điều đặc biệt của khuôn mặt này là khối u lành tính mà Krjin sở hữu ở khu vực bên trông xương lông mày, thể hiện qua một khu vực rỗng bất thường trên mảnh sọ. Vì vậy các nhà khoa học đã "tái sinh" được một Krjin với những đặc điểm rất riêng, một khuôn mặt độc nhất vô nhị chứ không phải dạng chân dung Neanderthals phổ thông.
Quá trình tái tạo "ông tổ" khác loài - (Ảnh: Đại học Leiden/Viện Max Planck)
Mảnh hài cốt Krjin trôi dạt vào bờ biển Hà Lan sau nhiều năm bị chôn vùi dưới đáy biển phương Bắc băng giá, cho thấy ông là một cư dân Doggerland, một vùng đất đã biến mất, từng nối liền Vương Quốc Anh và phần còn lại của châu Âu lục địa. Krjin khoảng 50.000-70.000 tuổi.
Neanderthals, một loài khác cùng thuộc chi Người (Homo) với Homo sapiens chúng ta, từng có nhiều cuộc hôn phối dị chủng với tổ tiên chúng ta. Do đó mặc dù họ đã tuyệt chủng khoảng 30.000 năm trước, dòng máu khác loài vẫn chảy trong một số lượng lớn người châu Âu và nhiều vùng khác trên thế giới, trong đó rõ nét nhất là khu vực Bắc Âu, nhiều người mang đến 2% yếu tố Neanderthals trong DNA.