Các nhà khoa học tại Đại học Washington (Mỹ) vừa tái tạo dòng virus cúm H1N1 (còn gọi là cúm Tây Ban Nha) nhằm nghiên cứu cơ chế lây nhiễm của loại virus này.
H1N1 là virus từng giết hơn 50 triệu người trong đại dịch cúm toàn cầu giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất (1918-1919).
Thông thường khi bị lây nhiễm cúm, hệ miễn dịch cơ thể sẽ tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus. Tuy nhiên, thí nghiệm trên chuột cho thấy hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh đối với virus H1N1 đến mức cơ chế tự phòng vệ sinh học này tiêu diệt quá nhiều tế bào cơ thể, trong khi đó lại không thể ngăn chặn sự phát triển của virus cúm. Chính phản ứng này của cơ thể càng làm sức tàn phá của H1N1 trở nên mạnh mẽ hơn.
Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục các thí nghiệm tương tự để tìm hiểu xem tại sao hệ miễn dịch lại có phản ứng như vậy. Các nhà khoa học khẳng định qua nghiên cứu H1N1, họ có thể hiểu sâu hơn về cơ chế hoạt động của virus cúm gia cầm H5N1.
Cảnh sát ở Seattle (Mỹ) đeo khẩu trang trong trận dịch cúm năm 1918
(Ảnh: Reuters)
HIẾU TRUNG