Mối quan hệ giữa con người và vương quốc động vật vẫn phức tạp đến vậy từ thuở hồng hoang.
Những con thú chúng ta thấy ngày nay đã tồn tại hàng thiên niên kỷ, giữ những vai trò chủ chốt trong cả chuỗi thức ăn và trong những nền văn minh cổ đại nổi tiếng nhất.
Thú vật thiêng liêng trong con mắt người Ai Cập, nhưng lại là vật tế thần trong văn hóa của người Maya cổ đại. Tại thành Rome, thú vật vào vai những võ sĩ giác đấu, quần nhau trong máu và sắt giữa tiếng hò reo của người dân La Mã. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, thú hoang đã được trọng vọng, lợi dụng, săn bắt và trở thành vật trang trí từ ngày con người khám phá ra lửa.
Trong bài viết này, thú vật sẽ được lột tả dưới con mắt của người dân các nền văn hóa cổ đại, với dữ liệu có được nhờ con mắt tò mò của các nhà khảo cổ.
Sư tử Prudhoe, hay còn có tên gọi Sư tử Soleb là một trong hai bức tượng sư tử đá granite đỏ nằm trước lối vào Đền Soleb tại Nubia. Hiện bức tượng đang được trưng bày tại Bảo tàng Anh Quốc.
Tại Ai Cập cổ đại
Người dân sống dọc bờ sông Nile coi động vật hoang dã là “những thế lực hùng mạnh của tự nhiên”, nhiều trong số chúng được cho là có liên hệ trực tiếp với thần thánh. Đó là nhận định của Salima Ikram, giáo sư ngành Ai Cập Học công tác tại Đại học Mỹ, Cairo.
“Chúng được coi là trung gian giữa con người và thần thánh, đồng thời đại diện cho thế lực hỗn loạn cần được thuần hóa và kiểm soát, để trật tự [tự nhiên] và vũ trụ có thể tiếp tục tồn tại”, ông Ikram cho hay.
Bên cạnh vai trò là sinh vật hộ vệ các đấng trị vì, nữ thần Bastes còn đại diện cho khả năng mang thai và sinh con trong tín ngưỡng Ai Cập cổ đại.
Khoảng năm 4000 Trước Công nguyên, khi nền văn minh Ai Cập vẫn còn mới mẻ, rất nhiều động vật hoang dã (sau này sẽ di cư tới miền Trung và Nam Phi) sinh trưởng thăng hoa quanh khu vực châu thổ sông Nile. Nền văn minh Ai Cập cổ đại này có săn bắt động vật, nhưng họ đã biết tới tầm quan trọng của bảo tồn nên tình trạng săn bắt quá mức không diễn ra. Thậm chí, có những loài vật giữ vị thế cao trong xã hội loài người lúc bấy giờ.
Ví dụ, người Ai Cập coi sư tử là “hiện thân của thần mặt trời Ra”, đồng thời là biểu tượng của bậc hoàng gia. Trong mắt họ, hà mã đực là con vật tượng trưng cho sự hỗn loạn, và cũng đại diện cho thần chiến tranh Set. Trong khi đó hà mã cái lại là hiện thân của nữ thần Taweret, thực thể bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Theo nhận định của ông Ikram, hươu cao cổ không mấy khi xuất hiện trong thần thoại Ai Cập, nhưng ký tự biểu diễn khái niệm “hươu cao cổ” có nghĩa là “báo trước”: họ cho rằng chiếc cổ dài đã giúp hươu có thể nhìn xa trông rộng, nhìn trước tương lai. Tuy khỉ đầu chó không phải sinh vật bản địa Ai Cập, nhưng vẫn có vai trò trong tín ngưỡng của người dân sống dựa sông Nile.
“Khỉ đầu chó thức giấc và vươn vai lúc mặt trời lên, và chúng có cặp mông đỏ nên với người Ai Cập cổ đại, chúng là sinh vật thiêng liêng với thần mặt trời”, ông Ikram nói về loài linh trưởng ưa dậy sớm đón nắng.
Tại những nền văn minh Teotihuacan cổ đại
Một nghiên cứu xuất bản năm 2018 trên tạp chí PLOS ONE chỉ ra rằng người Maya thường sử dụng động vật vào mục đích “làm biểu tượng hay dùng trong nghi lễ”. Từ năm 1 cho tới năm 550 Sau Công nguyên, người Maya dùng báo đen, báo đốm, cú, cò thìa hồng và cá sấu trong các nghi thức tế thần, đồng thời chúng cũng đại diện cho đặc quyền của những tầng lớp nhất định trong văn hóa Teotihuacan cổ đại (bao gồm văn hóa của nhiều khu vực, nổi tiếng nhất là Maya, Mixtec và Zapotec; có thể đã hình thành từ năm 400 Trước Công nguyên).
Tượng Kukulcan, thần gắn với thân mình phủ lông vũ là đấng sáng thế trong văn hóa của người Trung Bộ Châu Mỹ. Kukulcan cũng là thực thể ban gió và mưa cho người trần.
Trên đỉnh những kim tự tháp, người Maya cổ đại hiến tế những sinh vật nằm trên những bậc cao của chuỗi thức ăn, trong khi đó hươu và cá sấu được dùng nhiều ở các nghi thức chôn cất thiêng liêng do các thầy tế (shaman) chỉ đạo. Thậm chí, người Maya cổ đại còn chôn động vật theo người đã khuất với mục đích chuẩn bị thực phẩm cho kiếp sau.
Theo lời các tác giả báo cáo, “báo đốm và báo đen tại khu vực Copan từng có người Maya sinh sống cho thấy bằng chứng của cả việc nuôi nhốt lẫn một hệ thống trao đổi hàng hóa rộng rãi, hoạt động buôn bán động vật ăn thịt có ý nghĩa trong các nghi thức xuất hiện rộng rãi khắp vùng Trung bộ Châu Mỹ”.
La Mã cổ đại
Trong mắt người La Mã thuở xưa, động vật hoang dã luôn đi kèm một cảnh tượng hùng tráng đáng xem. Từ thời điểm đầu của giai đoạn Cộng hòa La Mã, voi đã bắt đầu bước vào đời sống của con người, và dần trở thành sinh vật quan trọng ở cuối thời kỳ Cộng hòa La Mã, khi Julius Caesar nắm quyền.
Khoảng năm 509 Trước Công nguyên, người La Mã cổ đại tổ chức diễu hành vinh danh người chết với hổ, báo gấm, sư tử và cá sấu. Khi được đưa về đấu trường, những con vật dữ dằn sẽ trở thành một phần của buổi trình diễn sống còn.
Bên cạnh những màn chiến đấu giáp lá cà giữa người và người, loại hình giải trí "venatio" - săn thú hoang là sự kiện được người dân đón nhận nhiệt liệt. Không ai đứng ra bảo đảm cho mạng sống của những người dám đi xem venatio. Trong ảnh, một tấm mề đay mô tả cảnh thợ săn đang đương đầu với thú dữ trong đấu trường.
Những kẻ buôn động vật đương thời đã lặn lội xuống tận Châu Phi để bắt thú hoang, lịch sử ghi lại gần 9.000 con vật hoang dã đã được đưa về La Mã trong giai đoạn trị vì của hoàng đế Titus (khoảng năm 79 Sau Công nguyên). Theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Greece and Rome, hoạt động buôn bán động vật hoang dã cuối thời kỳ Cộng hòa La Mã đã ít nhiều trở thành một ngành nghề lớn mạnh, khi phần lớn cộng đồng thích thú với những màn giác đấu hoang dại trong đấu trường trứ danh.
Theo lời các tác giả nghiên cứu, giống với các màn giao đấu đã trở thành món tiêu khiển không thể thiếu, “tổ chức săn bắt động vật [...] được chính thức hóa trong giai đoạn cuối của thời kỳ Cộng hòa, việc cung cấp động vật [cho đấu trường] trở thành trách nhiệm của các quan chức địa phương”. Tư liệu lịch sử cho thấy Lucius Cornelius Sulla Felix đã nhận 100 con sư tử phục vụ mục đích giải trí từ Vua Bocchus vùng Mauretania (là Algeria ngày nay).
Sớm để tâm tới thế giới xung quanh, con người đã sớm liên hệ những sinh vật hùng dũng của thế giới hoang dã với những thế lực tâm linh vô hình. Từ Châu Phi, Châu Âu cho tới Châu Mỹ xa xôi, vương quốc con người và động vật vẫn cùng nhau sinh tồn từ thuở hồng hoang, và dành cho nhanh những sự nể trọng nhất định.
Tôn sùngh vẻ đẹp của chúng, hay sử dụng động vật trong những nghi lễ quan trọng, mối quan hệ phức tạp giữa người và thú đã hình thành từ lâu, và có lẽ sẽ kéo dài cho tới khi sự sống còn tồn tại.