Tăng men gan là dấu hiệu cảnh báo các tế bào gan đang viêm hoặc hoại tử, nếu không kiểm soát tốt sẽ tiến triển thành viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Trong hơn 40 năm công tác, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khánh Trạch - Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam gặp rất nhiều bệnh nhân tăng men gan, viêm gan nhưng chủ quan không điều trị hoặc điều trị không đến nơi đến chốn. Tìm hiểu hiết về bệnh lý này sẽ giúp bệnh nhân tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm.
Men gan tăng báo hiệu gan hư tổn
Theo Giáo sư Trạch, men gan là tên gọi chung của các loại enzym trong tế bào gan gồm AST (SGOT), ALT (SGPT), LDH, GGT. Chúng có vai trò tổng hợp và chuyển hóa protid, gluxit và lipid trong gan. Bình thường, khi các tế bào gan già và chết đi, sẽ giải phóng các enzym này vào máu và làm tăng men gan trong ngưỡng nhất định. Tuy nhiên, khi số lượng tế bào gan chết nhiều hơn, men gan sẽ tăng cao bất thường. Lúc này cũng có nghĩa gan đã mắc các bệnh như viêm, xơ, thậm chí ung thư.
Men gan tăng cao ẩn chứa nhiều biến chứng nguy hiểm, kể cả xơ gan, ung thư gan.
Giáo sư Trạch cho biết, với tình trạng sử dụng rượu bia và tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B, C thuộc hàng cao nhất thế giới, Việt Nam hiện có số người bị viêm gan, tăng men gan ở mức cao.
Bệnh viêm gan gồm 2 loại: viêm gan cấp tính và mãn tính (kéo dài trên 6 tháng). Ngoài tác nhân virus và rượu bia, tỷ lệ bệnh nhân viêm gan mạn tính do độc tố trong thực phẩm bẩn, thuốc điều trị, ô nhiễm môi trường, ký sinh trùng... đang ngày càng gia tăng.
Viêm gan do bất kỳ nguyên nhân nào đều dẫn đến tình trạng hoại tử tế bào gan, được đặc trưng bởi chỉ số men gan cao. Các tế bào gan chết đi có thể gây ra "hiệu ứng domino", đẩy nhanh quá trình viêm và hoại tử tế bào gan, khiến gan tổn thương không có điểm dừng và men gan càng tăng cao.
Chẳng hạn, enzym GGT trong máu thường tăng ở người bị viêm gan do nghiện bia rượu, lượng enzyme này tăng tỷ lệ thuận với số rượu mà bạn uống. Trong khi đó, chỉ số AST và ALT cao cảnh báo giảm dần tuổi thọ. AST cao gấp đôi làm tăng 32% nguy cơ tử vong, gấp 3 trở lên thì nguy cơ có thể đến 78%. Tương tự, ALT làm tăng 21% và 59% nguy cơ tử vong nếu chỉ số leo gấp đôi hoặc hơn nữa. Nếu men gan tăng bất thường do tế bào gan chết hàng loạt sẽ kích hoạt tăng sinh tế bào gan mới, đẩy cao nguy cơ đột biến tự phát dẫn đến ung thư gan.
Giáo sư Trạch cảnh báo, khoảng 57% ca xơ gan và 78% ca ung thư gan tiên phát là do nhiễm virus viêm gan mãn tính. Bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B phải đối mặt với ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường. Quỹ Chăm sóc Gan Mỹ cũng thống kê, khoảng 35% người nghiện bia rượu mắc viêm gan, 55% trong số này sẽ chuyển thành xơ gan.
Khi gan hư hỏng sẽ không thực hiện được các vai trò quan trọng, đặc biệt là giảm hoặc không còn khả năng giải độc thì toàn cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khoảng 57% ca xơ gan và 78% ca ung thư gan tiên phát là do nhiễm virus viêm gan mãn tính.
Điều trị khi chưa quá muộn
Việc điều trị bệnh viêm gan, tăng men gan kịp thời rất quan trọng. Đây cũng là giải pháp duy nhất để ngăn chặn biến chứng thành xơ, ung thư gan. Người bệnh nên thăm khám lá gan định kỳ, theo dõi chỉ số men gan, đặc biệt chú ý khi cơ thể có các dấu hiệu bệnh gan tăng nặng như mệt mỏi, ăn không tiêu, chán ăn, vàng da...
Theo Giáo sư Trạch, mặc dù viêm gan, men gan tăng cho thấy cơ quan này đã hư hại, tế bào gan hoại tử, song nếu có biện pháp khắc phục tận gốc ở giai đoạn này gan vẫn có thể phục hồi khả năng hoạt động bình thường. Bệnh viêm gan có thể khỏi nếu tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thay đổi lối sống tích cực, tránh rượu bia, thuốc lá, tập luyện và ăn uống khoa học...
Tuy nhiên, nếu viêm gan ở giai đoạn muộn, các tế bào gan bị xơ hoá và hoại tử nghiêm trọng, hình thành những nốt gan bất thường thì mọi cách điều trị, can thiệp lúc này chỉ làm chậm tốc độ xơ hoá, còn bệnh thì gần như hết đường cứu chữa.