Tạo ra âm đạo từ tế bào gốc

Một bác sĩ Ý đã “thiết kế” thành công âm đạo cho một phụ nữ bằng cách sử dụng chính tế bào gốc của người phụ nữ này. Thành công này được xem là một tin vui đối với những phụ nữ không có âm đạo bẩm sinh.

Mô niêm mạc âm đạo được tạo ra trong phòng thí nghiệm bằng chính tế bào gốc của bệnh nhân. (Ảnh minh họa: iStockphoto)

Vào hôm 30/5, nữ giáo sư bác sĩ Cinzia Marchese, thuộc Trường Đại học University Sapienza ở Rome, đã công bố nghiên cứu về việc tạo ra các mô âm đạo bằng tế bào gốc trong phòng thí nghiệm để cấy ghép cho những phụ nữ không có âm đạo.

Phát biểu với báo chí, giáo sư Marchese, một chuyên gia về bệnh lý học lâm sàng và công nghệ sinh học, cho biết cuộc phẫu thuật đầu tiên để ghép mô âm đạo đã được thực hiện đối với một phụ nữ 28 tuổi vào năm 2006. Người phụ nữ này được ghép một mảnh nhỏ niêm mạc ở bộ phận sinh dục và sau đó, các mô niêm mạc được hình thành và phát triển thành một âm đạo lành mạnh. Bà Marchese nói: “Cô ấy đã lập gia đình và đang có một cuộc sống bình thường”.

Cuộc phẫu thuật thứ 2 được thực hiện đối với một thiếu nữ 17 tuổi vào ngày 29/5, với công đoạn đầu tiên là sử dụng phương pháp sinh thiết để lấy ra những tế bào từ nơi mà sau này âm đạo của cô gái này sẽ hình thành.

Giáo sư Marchese nói: “Điều mà chúng tôi làm là lấy một mẫu sinh thiết khoảng 0,5 cm từ nơi mà âm đạo sẽ hình thành. Sau đó dùng một en-zim để phân giải mẫu sinh thiết này và để những tế bào gốc tự sản sinh ra những mô niêm mạc mới”. Bà cho biết cần khoảng 15 ngày để có được một lớp mô đủ dày để cấy ghép cho bệnh nhân.

Theo giáo sư, 2 phụ nữ nói trên đã mắc phải một hội chứng bẩm sinh có tên là Mayer-Von Rokitansky-Kuster-Hauser (MRKHS). Hội chứng này xảy ra ở trẻ gái sơ sinh với tỉ lệ là 1/4.000 -5.000. Khi mắc hội chứng này, trẻ em gái khi sinh ra sẽ không có âm đạo, nhưng vẫn có tử cung, vòi trứng và các bộ phận sinh dục ngoài, nhưng không thể có khả năng giao hợp và sinh con.

Theo bà Marchese, có những cô gái trẻ vì quá xấu hổ nên không dám nói về tình trạng “đặc biệt” của mình cho cha mẹ biết, mà lại chấp nhận “sống hết quãng đời còn lại mà không có một đời sống tình dục bình thường, mặc dù họ vẫn là những người phụ nữ bình thường về mọi phương diện khác”.

Thành công này sẽ mang lại một tin vui cho những phụ nữ không có âm đạo hoặc mắc phải các “trục trặc” khác ở cơ quan sinh dục. (Ảnh: AP)

Từ trước đến nay, các nhà phẫu thuật giải quyết tình trạng này bằng cách tạo ra một âm đạo theo phương pháp ghép da hoặc cấy mô lấy từ ruột, nhưng cuộc phẫu thuật thường có tính xâm lấn cao, kéo dài và gây đau đớn. Hơn nữa, phải mất một thời gian dài sau đó mới có thể có được thành niêm mạc âm đạo bình thường.

Những phụ nữ không có âm đạo nhưng nếu có buồng trứng lành mạnh thì vẫn có thể có con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, nhưng họ phải nhờ một phụ nữ khác mang thai và sinh con hộ.

Trước đây, tại Trường Y khoa Harvard (Mỹ), giáo sư Marchese đã cùng với tiến sĩ Howard Green nghiên cứu sử dụng tế bào gốc để sản xuất da cấy ghép cho bệnh nhân bị phỏng. Bà nói: “Khi trở về Ý, tôi đã điều chỉnh kỹ thuật cấy ghép da để ứng dụng vào việc tạo ra mô âm đạo”.

Nữ giáo sư 47 tuổi này hy vọng thành công của bà sẽ mang lại một tin vui cho những phụ nữ không có âm đạo hoặc mắc phải các “trục trặc” khác ở cơ quan sinh dục. Bà cũng tin tưởng rằng nghiên cứu này sẽ mở ra những bước đột phá mới trong việc tạo ra các mô ruột, miệng và mắt bằng tế bào gốc.

Nghiên cứu của giáo sư Marchese sẽ được công bố trên tạp chí Human Reproduction của trường Đại học Oxford ở Anh.

Quang Thịnh

Theo Science Daily, ABC, VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video