Tất cả những điều cần biết về tivi 3D (Phần 2)

Trong phần trước, chúng ta đã điểm qua các khái niệm căn bản về TV 3D. Trong phần này, chúng ta sẽ điểm tới 2 công nghệ TV 3D chính hiện nay: 3D "chủ động" và 3D "thụ động", cũng như các nội dung 3D.

3D chủ động và 3D thụ động là gì?

3D chủ động và 3D thụ động là 2 loại công nghệ được sử dụng để hiển thị hình ảnh 3D trên TV. Cả 2 công nghệ này đều tương thích với tất cả các nguồn phát: bạn không cần lo lắng rằng đầu Blu-ray của mình chỉ hỗ trợ 3D chủ động hoặc thụ động. Sự khác biệt duy nhất giữa TV 3D thụ động và TV 3D chủ động là cách hiển thị hiệu ứng 3D của chúng.

Ra mắt vào năm 2010, công nghệ 3D chủ động sử dụng kính có các màn trập tinh thể lỏng chạy bằng pin. Kính 3D chủ động sẽ liên tục đóng/mở 2 bên mắt kính. Tại một thời điểm, chỉ có 1 mắt nhìn thấy hình ảnh từ màn hình, tạo ra hiệu ứng 3D. Bởi vậy, kính 3D chủ động đòi hỏi TV phải cung cấp được ít nhất 60 khung hình/giây cho mỗi bên mắt.


Kính 3D chủ động.

Công nghệ 3D thụ động ra mắt vào năm 2011 và sử dụng kính phân cực giống như các loại kính sử dụng trong rạp chiếu phim. Kính 3D thụ động sẽ lọc hình ảnh ở mỗi bên mắt, do đó mắt trái chỉ nhận biết được 1 nửa số đường pixel và mắt phải sẽ nhìn thấy nửa còn lại.


Hình ảnh nguyên bản trên TV 3D thụ động.


Hình ảnh trên TV 3D thụ động, chụp qua một bên mắt kính.

Các nhãn hiệu khác nhau sử dụng công nghệ 3D khác nhau

Tính đến thời điểm này, LG, Vizio và Toshiba đều sử dụng công nghệ 3D thụ động. Phần lớn các sản phẩm của Sony cũng sử dụng công nghệ 3D thụ động, trong khi Panasonic bán cả TV LCD sử dụng công nghệ 3D thụ động và TV Plasma sử dụng công nghệ 3D chủ động.

Samsung chỉ bán TV 3D chủ động. Công nghệ 3D thụ động đang ngày càng một thắng thế so với công nghệ 3D chủ động, song với thị phần áp đảo của Samsung, có lẽ công nghệ 3D chủ động sẽ tiếp tục tồn tại và phổ biến trong tương lai. Hiện nay, người đồng hương của Samsung là LG chính là thế lực chính đứng đằng sau công nghệ "đọc nền" giúp phát triển TV 3D thụ động.


Phần lớn các sản phẩm của Sony cũng sử dụng công nghệ 3D thụ động.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng TV sử dụng màn hình LED (LCD) có thể sử dụng cả công nghệ 3D chủ động lẫn thụ động, song TV sử dụng màn hình Plasma chỉ có thể sử dụng công nghệ 3D chủ động.

TV 3D chủ động và thụ động có giá tương đương, song kính thụ động rẻ hơn

Lợi thế chính của TV 3D thụ động là kính rẻ hơn rất nhiều. Phần lớn các mẫu TV 3D thụ động đều được bán kèm ít nhất là 4 cặp kính. Trong khi đó, chỉ trong thời gian gần đây TV 3D chủ động mới được bán kèm kính, nhưng phần lớn chỉ là 2 cặp kính.

Khi mua ngoài, kính 3D chủ động có giá từ 20 USD (khoảng 420.000 đồng) trở lên. Trong thời gian gần đây, các loại TV có hỗ trợ chuẩn Full HD 3D có thể sử dụng tất cả các loại kính có hỗ trợ chuẩn này, song TV 3D cũ thường chỉ có thể sử dụng kính của cùng một nhà sản xuất . Ví dụ, các mẫu TV 3D của Panasonic tung ra vào năm 2011 chỉ có thể sử dụng kính của Panasonic. Một số loại kính đắt tiền hơn có thể xem được tất cả các nhãn hiệu TV 3D cũ, song giá của chúng khá đắt: khoảng 50 USD (hơn 1 triệu đồng) trở lên.


Kính 3D thụ động dễ dùng và có thể mang thiết kế thời trang.

Ngược lại, kính 3D thụ động chỉ có giá từ khoảng 5 USD (hơn 100.000 đồng) đến 20 USD (khoảng 420.00 đồng). Thậm chí, nếu bạn mua từ các nhà sản xuất ít tên tuổi hoặc mua với số lượng lớn, mức giá có thể còn xuống thấp hơn nữa. Bạn có thể sử dụng tất cả các loại kính phân cực dạng này để xem TV 3D thụ động, bất kể là nhãn hiệu gì, từ kính của cùng nhà sản xuất TV cho tới các loại kính không tên tuổi hoặc kính từ rạp chiếu phim.

Kính 3D thụ động dễ dùng, dễ đeo hơn

Do không có linh kiện điện tử nào nên kính 3D thụ động nhẹ hơn và dễ sử dụng hơn so với kính chủ động. Kính 3D chủ động giờ đã nhẹ hơn rất nhiều so với các thế hệ đầu tiên và do đó có thể đem đến trải nghiệm 3D đủ thoải mái cho người dùng. Song, so với kính 3D thụ động, chúng vẫn có nhiều điểm yếu.


Kính 3D chủ động xấu, nặng và cần dùng pin.

Trước hết, kính 3D thụ động có rất nhiều chủng loại, bao gồm cả các loại kính cho các nhà thiết kế và loại phụ trợ dành cho những người phải đeo kính cận/viễn. Kính 3D thụ động không gây hiện tượng nhấp nháy hình nếu bạn vừa xem TV 3D vừa sử dụng laptop, điện thoại hoặc các màn hình điện tử khác, ngay cả khi bạn đang ngồi trong phòng có nhiều ánh sáng.

Ngược lại, kính 3D chủ động sẽ bị nhấp nháy khi bạn dùng chúng để nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử khác hoặc khi nguồn sáng quá mạnh. Kính 3D chủ động sử dụng pin sạc (thường là qua cổng USB), hoặc sử dụng pin mini.


Kính 3D thụ động.

Quan trọng nhất, do kính 3D chủ động liên tục đóng/mở 2 bên mắt kính, một số người dùng sẽ bị hoa mắt, chóng mặt khi xem loại TV này. Do đó, nhìn chung TV 3D thụ động đem lại trải nghiệm dễ chịu hơn TV 3D chủ động.

Chất lượng hình ảnh

Cũng giống như TV thường, chất lượng hình ảnh 3D trên TV 3D phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Nhà sản xuất, dòng sản phẩm, đời sản phẩm, chất lượng kính, loại màn hình (LCD LED hoặc plasma) và thậm chí là cả độ lớn màn hình. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng TV 3D thụ động nói chung có một số điểm yếu và điểm mạnh so với TV 3D chủ động.


TV 3D thụ động có hình ảnh 3D sáng hơn so với hình ảnh của 3D chủ động.

TV 3D thụ động có hình ảnh 3D sáng hơn so với hình ảnh của 3D chủ động, do cả 2 mắt đều đón nhận ánh sáng cùng lúc. Công nghệ 3D thụ động cũng sẽ ít gây hiện tượng nhiễu crosstalk (hay còn gọi là "ghosting", tức là hình ảnh vẫn bị rời rạc, tạo cảm giác nhiễu ngay cả khi đã đeo kính) hơn công nghệ 3D chủ động.

Tuy vậy, TV 3D thụ động lại hay gặp hiện tượng hình ảnh bị phân mảnh ở các đường cạnh và các đường thẳng. Lý do là trên TV 3D thụ động, độ phân giải cho mỗi mắt đón nhận chỉ là 1920 x 540 pixel (do số đường thẳng trên màn hình sau khi bị kính phân cực sẽ chỉ còn một nửa). Trên các màn hình cỡ nhỏ hoặc khi xem ở khoảng cách xa, hiện tượng này sẽ được giảm thiểu.


Khi xem từ các góc hẹp, TV 3D chủ động cũng tái hiện lại hiệu ứng 3D tốt hơn.

Khi xem từ các góc hẹp, TV 3D chủ động cũng tái hiện lại hiệu ứng 3D tốt hơn. Từ các góc nhìn bình thường, TV 3D thụ động cũng tái hiện hiệu ứng 3D khá tốt, song khi di chuyển lên trên, xuống, sang trái hoặc sang phải, hiệu ứng 3D sẽ bị giảm sút trên TV 3D thụ động.

TV 3D thụ động có thể có chất lượng tốt nhất trong tương lai

Chính bởi hiện tượng nhiễu ở các cạnh và đường thẳng bị phân mảnh như trên mà TV 3D thụ động sẽ đem lại trải nghiệm phim ảnh khá khó chịu khi xem ở khoảng cách gần và trên các màn hình lớn. Tuy vậy, trong các căn phòng có nhiều đèn chiếu, TV 3D thụ động có thể mang lại chất lượng hình ảnh tốt hơn.


Sony XBR: 84 inch, độ phân giải 4K và hiệu ứng 3D.

TV 3D độ phân giải Ultra HD 4K sẽ tận dụng được tất cả các lợi thế của 3D thụ động và loại bỏ được hiện tượng răng cưa hoặc phân mảnh đường thẳng nhờ có độ phân giải siêu cao của mình. Số lượng TV 3D sử dụng độ phân giải Ultra HD hiện tại vẫn còn khá ít, song chắc chắc sẽ gia tăng trong tương lai.

Nội dung 3D cho TV


Gần như tất cả các tựa phim 3D chiếu rạp đều có phiên bản Blu-ray 3D.

Trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 100 đầu đĩa Blu-ray 3D được ra mắt. Gần như tất cả các bộ phim chiếu rạp có sử dụng công nghệ 3D đều được phát hành trên Blu-ray dưới định dạng 3D, từ những bộ phim "bom tấn" như Avatar cho tới những bộ phim chỉ dành cho một số ít các fan "cuồng" như Dredd.

Đi kèm với các tựa phim 3D trên Blu-ray là các phiên bản số tương ứng. Bạn có thể sử dụng đầu HD hoặc máy để bàn/máy vi tính để làm đầu phát các nội dung số định dạng 3D.

Bên cạnh các bộ phim, game cũng là một nguồn nội dung 3D đáng chú ý. Một số tựa game "đỉnh" như Call of Duty: Black Ops 2, Assassin's Creed III, Crysis 3, Gran Turismo 5, MLB 13: The Show, và Uncharted 3 sẽ hỗ trợ chơi 3D trên các nền tảng PC, Xbox360 và PS3. Với thế hệ console mới (Xbox One và PlayStation 4), số lượng game 3D được phát hành chắc chắn sẽ gia tăng! Sức mạnh phần cứng của máy chơi game next-gen sẽ giúp loại bỏ các giới hạn độ phân giải của thế hệ cũ, mang lại trải nghiệm 3D choáng ngợp hơn.


Công nghệ 3D trong Crysis.

Ngoài ra, các dịch vụ phát video qua mạng, trong đó tiêu biểu là Netflix, cũng có hỗ trợ định dạng video 3D. Tuy vậy, các dịch vụ này chưa được cung cấp tại Việt Nam, và do đó người dùng trong nước sẽ phải tiếp tục chờ đợi trong tương lai.

Một số nhà sản xuất TV, đáng chú ý nhất là Samsung, LG và Sony, cũng đã cung cấp dịch vụ phát nội dung 3D (mất phí) vào các sản phẩm Smart TV (TV thông minh) của mình. TV 3D của Vizio được cung cấp dịch vụ 3DGo của Sensio với lượng nội dung 3D nhiều hơn đáng kể so với dịch vụ của các nhà sản xuất.

Kết luận


Samsung UN65F9000.

Hiện tại, cản trở lớn nhất đối với TV 3D là lượng nội dung (Blu-ray, kênh truyền hình, game...) vẫn còn khá ít ỏi. Tuy vậy, điểm mạnh lớn nhất của TV 3D là chất lượng hình ảnh: Tất cả các mẫu TV cao cấp nhất đều đã được trang bị tính năng 3D, và do đó có thể khẳng định rằng "phân khúc TV cao cấp" đã trở thành "phân khúc TV 3D". Khi mua TV 3D, bạn vẫn sẽ được tận hưởng chất lượng hình ảnh 2D tốt nhất, và cũng sẽ được tận hưởng các bộ phim bom tấn (vốn đang chuyển sang 3D ngày càng nhiều) không khác gì khi ngồi tại rạp chiếu phim.

Do giá của TV 3D không cần kính vẫn còn khá cao, tại thời điểm hiện tại bạn sẽ phải lựa chọn cho mình một công nghệ kính 3D phù hợp: chủ động hoặc thụ động. Trong tương lai, giá của TV sử dụng công nghệ 3D nói chung (cần kính hoặc không cần kính) chắc chắn sẽ tiếp tục giảm, và khi đó công nghệ vẫn còn khá mới lạ này sẽ sớm thay đổi không gian giải trí tại gia, giống như TV HD đã từng làm cách đây vài năm.

Cập nhật: 27/02/2017 Theo vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video