Tàu Discovery bay vào không gian

Sáng nay 1.6 (giờ VN), tàu con thoi Discovery đã được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho phóng lên không gian, bắt đầu sứ mệnh kéo dài 14 ngày mang bộ phận chính của phòng thí nghiệm Kibo do Nhật Bản chế tạo đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Tàu Discovery rời bệ phóng 39A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida (Mỹ) lúc 17 giờ 2 ngày 31.5 (giờ địa phương, tức 4 giờ 2 ngày 1.6 giờ VN). Trước đó, tàu dự kiến sẽ được phóng vào ngày 25.5, tuy nhiên do trục trặc khi thùng nhiên liệu chưa được đưa đến kịp vì thời tiết xấu nên NASA hoãn đến hôm nay.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của chuyến bay tàu Discovery là việc kết nối bộ phận chính của Kibo vào ISS. Đây là mô-đun điều áp có hình trụ dài 11,2m, đường kính 4,6m và nặng 15,9 tấn với cánh tay robot được điều khiển từ xa.

Phòng thí nghiệm Kibo, tiếng Nhật có nghĩa là "hy vọng" trị giá 3 tỉ USD, khi hoàn thành sẽ là phòng thí nghiệm lớn và hiện đại nhất của ISS, phục vụ cho các thí nghiệm về vật lý, sinh học và các nghiên cứu về siêu lực hấp dẫn.

Được xem là đóng góp lớn nhất của Nhật Bản trong việc xây dựng trạm vũ trụ, Kibo cần đến 3 chuyến tàu con thoi đến lắp ráp. Bộ phận đầu tiên là mô-đun hậu cần ELM-PS nặng 4,2 tấn, dài 3,9m, đường kính 4,4m đã được tàu Endeavour đưa lên trạm vào cuối tháng 3 qua. Phần cuối cùng là hệ thống viễn thông, dự kiến sẽ có mặt trên quỹ đạo vào tháng 3 năm sau.

Cùng với sứ mệnh Kibo trên, phi hành đoàn tàu Discovery còn có nhiệm vụ thay thế thùng nhiên liệu nitrogen thuộc hệ thống làm mát của trạm; cũng như kiểm tra, vệ sinh các vòng đai của những tấm hấp thụ năng lượng Mặt trời.

Ngoài ra, các phi hành gia còn một công việc cực kỳ quan trọng là sửa chữa nhà vệ sinh của ISS. Hiện tại, bộ phận thu chất thải lỏng trên trạm bị trục trặc nên các phi hành gia ISS phải dùng tạm buồng vệ sinh của tàu Soyuz, nhưng sức chứa của buồng này hết sức hạn chế. Tàu Discovery sẽ mang đến một máy bơm để khôi phục hoạt động của nhà vệ sinh, trong thời gian sửa chữa, các phi hành gia sẽ sử dụng tạm buồng vệ sinh của tàu Discovery.

Tàu Discovery lần này mang mã số STS-124 gồm 7 người: chỉ huy trưởng Mark Kelly, phi công Kenneth Ham, các nhà du hành Gregory Chamitoff, Michael Fossum, Karen Nyberg (nữ), Ronald Garan và Akihiko Hoshide (người Nhật, đến từ Cơ quan thám hiểm không gian Nhật Bản - JAXA).

Phi hành gia Gregory Chamitoff sẽ ở lại trạm để thực hiện nhiệm vụ hoàn thành kết nối phòng thí nghiệm Kibo, thế chỗ cho Garrett Reisman, người được tàu Endeavour đưa lên vào cuối tháng 3 qua. 

Một số hình ảnh khi tàu Discovery rời bệ phóng và phi hành đoàn trên tàu. (Ảnh: Reuters)

D.B (theo Reuters, Thanh Niên Online)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video