Đêm 9/2, tàu vũ trụ không người lái của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đã bay vào quỹ đạo xung quanh sao Hỏa, trở thành sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của thế giới A-rập.
Hồi hộp chờ đợi tàu thăm dò của UAE đáp vào quỹ đạo sao Hỏa
Các nhân viên kiểm soát mặt đất tại trung tâm vũ trụ của UAE ở Dubai đã đứng dậy vỗ tay khi nhận được tin tàu vũ trụ không người lái mang tên Amal, tiếng Ả Rập có nghĩa là Hy vọng, đã đi đến cuối cuộc hành trình kéo dài gần bảy tháng, dài 300 triệu dặm và đã bắt đầu quay vòng quanh sao Hỏa, nơi nó sẽ thu thập dữ liệu chi tiết về bầu khí quyển của hành tinh Đỏ.
Người dân UAE ăn mừng sau khi tàu thăm dò Amal đi vào quỹ đạo sao Hỏa đêm 9/2.
Tàu thăm dò quỹ đạo Amal đã khai hỏa các động cơ chính của nó trong 27 phút trong một thao tác phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực cao để con tàu giảm tốc đủ để bị lực hấp dẫn của sao Hỏa cuốn vào. Sau đó, phải mất 15 phút hoặc lâu hơn nữa thì tín hiệu xác nhận thành công mới đến được Trái đất.
Amal đã phải thực hiện một loạt các vòng quay và động cơ để chuyển động vào quỹ đạo, giảm tốc độ từ 121.000km/giờ xuống 18.000km/giờ.
Các kỹ sư tại Phòng điều khiển nín thở khi Amal biến mất sau mặt tối của sao Hỏa. Sau đó, nó tái xuất hiện từ bóng tối của hành tinh và liên lạc được khôi phục theo đúng lịch trình. Màn hình tại trung tâm vũ trụ tiết lộ Amal đã xoay sở để thực hiện được những gì mà nhiều con tàu khác đã thất bại trong nhiều thập kỷ.
Bà Sarah al-Amiri, Bộ trưởng Công nghệ tiên tiến và Chủ tịch cơ quan vũ trụ của UAE cho biết: “Bất cứ một chút sai sót nào xảy ra, chúng tôi sẽ mất tàu vũ trụ”.
Bà Sarah al-Amiri, Bộ trưởng Công nghệ tiên tiến và Chủ tịch cơ quan vũ trụ của UAE phát biểu trong một chương trình phát sóng trực tiếp tối 9/2.
Đây là giây phút cực kỳ căng thẳng khi trong nhiều năm, sao Hỏa đã là “nghĩa địa” của vô số sứ mệnh không gian từ các quốc gia khác nhau.
Trước sự hoan nghênh nhiệt liệt, kỹ sư Omran Sharaf, Giám đốc sứ mệnh đã tuyên bố: “Chúng tôi xin thông báo với người dân UAE, các quốc gia A-rập và Hồi giáo về sự thành công của UAE khi đến được sao Hỏa”.
Ba phi thuyền từ Trái đất sẽ lần lượt đến sao Hỏa
Hai tàu vũ trụ không người lái nữa của Mỹ và Trung Quốc đang theo sát phía sau, chuẩn bị đến sao Hỏa trong vài ngày tới. Cả ba nhiệm vụ đều được phóng vào tháng 7 để tận dụng khoảng thời gian Trái đất gần sao Hỏa nhất.
Sự xuất hiện của tàu thăm dò Amal đưa UAE vào một liên minh chỉ gồm năm cơ quan vũ trụ trong lịch sử có sứ mệnh sao Hỏa đang hoạt động. Thành công này là một điều đáng tự hào đối với quốc gia dầu mỏ khi họ tìm kiếm một tương lai trong vũ trụ.
Hình ảnh minh họa tàu thăm dò Amal bay quanh quỹ đạo sao Hỏa. (Ảnh: Alexander McNabb).
Thái tử UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã có mặt tại sự kiện và nói: “Xin chúc mừng ban lãnh đạo và người dân UAE vì niềm vui khôn tả khi đặt chân đến sao Hỏa”.
Khoảng 60% trong số các sứ mệnh trên sao Hỏa đã kết thúc trong thất bại, bị rơi, bốc cháy, đây là một minh chứng cho sự phức tạp của việc du hành liên hành tinh và khó khăn khi lao xuống bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa.
Tàu quỹ đạo kết hợp tàu đổ bộ Thiên Vấn 1 của Trung Quốc dự kiến sẽ đến hành tinh này vào ngày 10/2. Tàu này sẽ quay quanh sao Hỏa cho đến khi tàu đổ bộ tách ra và cố gắng hạ cánh trên bề mặt vào tháng 5 để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ đại.
Còn tàu thám hiểm của Mỹ mang tên Perseverance dự kiến sẽ hạ cánh vào ngày 18/2. Đây sẽ là chặng đầu tiên trong dự án kéo dài một thập kỷ của Mỹ và châu Âu nhằm đưa đá trên sao Hỏa về Trái đất để kiểm tra bằng chứng hành tinh này từng chứa sự sống siêu nhỏ.
Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ hai hạ cánh lên sao Hỏa, sau Mỹ - quốc gia đã có tám lần đáp xuống hành tinh Đỏ, lần đầu tiên cách đây gần 45 năm. Một tàu thám hiểm và tàu đổ bộ của NASA vẫn đang làm việc trên bề mặt sao Hỏa.
Đối với UAE, đây là dự án đầu tiên của nước này vượt ra ngoài quỹ đạo Trái đất.
Tham vọng chinh phục vũ trụ của quốc gia dầu mỏ
Người dân UAE bày tỏ vui mừng trong buổi phát sóng trực tiếp tàu thăm dò Amal đang cố gắng nhập quỹ đạo sao Hỏa. (Ảnh: AP)
Trong nhiều tháng, cuộc hành trình của con tàu vũ trụ đã được báo chí UAE theo dõi một cách cuồng nhiệt. Các điểm mốc trên khắp UAE, bao gồm cả Burj Khalifa, tòa tháp cao nhất trên Trái đất, đã phát sáng màu đỏ để đánh dấu sự xuất hiện dự kiến của tàu thăm dò Amal. Bảng thông báo mô tả tàu Amal được đặt nổi bật trên đường cao tốc của Dubai. Năm nay là kỷ niệm 50 năm thành lập đất nước UAE, càng khiến tàu thăm dò Amal được chú ý hơn.
Nếu tất cả đều theo kế hoạch, trong hai tháng tới, tàu thăm dò Amal sẽ bay quanh quỹ đạo sao Hỏa hình elip để khảo sát hầu hết khí quyển của hành tinh. Amal tham gia cùng sáu tàu vũ trụ đã hoạt động quanh sao Hỏa, trong đó có ba tàu của Mỹ, hai tàu của châu Âu và một tàu của Ấn Độ.
Thành công này mang lại một cú hích to lớn cho tham vọng vũ trụ của UAE. Phi hành gia đầu tiên của nước này đã được phóng lên Trạm Vũ trụ quốc tế vào năm 2019, cách 58 năm sau khi Liên Xô và Mỹ phóng phi hành gia.
Hình ảnh tàu thăm dò Amal tràn ngập đường phố UAE. (Ảnh: AP).
Ông Thomas Zurbuchen, trưởng sứ mệnh khoa học của NASA, đã tweet chúc mừng UAE: “Nỗ lực táo bạo của các bạn để khám phá hành tinh Đỏ sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nước khác vươn tới các vì sao. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm tham gia cùng bạn tại sao Hỏa với tàu vũ trụ Persevere”.
Khi phát triển tàu vũ trụ Amal, UAE đã chọn hợp tác với các đối tác giàu kinh nghiệm hơn thay vì đi một mình hoặc mua tàu vũ trụ. Các kỹ sư và nhà khoa học của UAE đã làm việc với các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado, Đại học California và Đại học bang Arizona.
Tàu vũ trụ được lắp ráp tại Boulder, Colorado, Mỹ, trước khi được đưa đến Nhật Bản để phóng vào tháng 7 năm ngoái.
Tàu thăm dò Amal có kích cỡ bằng một chiếc ô tô, tiêu tốn 200 triệu USD để chế tạo và phóng; không bao gồm chi phí vận hành trên sao Hỏa. Các tàu thám hiểm của Trung Quốc và Mỹ phức tạp và tốn kém hơn nhiều. Sứ mệnh Persevere của NASA trị giá 3 tỷ USD.
UAE, một liên bang gồm bảy vương quốc, đang mong chờ Amal sẽ khơi dậy trí tưởng tượng của các nhà khoa học và tuổi trẻ của đất nước, đồng thời giúp chuẩn bị cho một tương lai khi hết dầu mỏ.
Kỹ sư Omran Sharaf, Giám đốc dự án Amal cho biết: “Nhiệm vụ này không chỉ nhằm đến sao Hỏa. Sao Hỏa chỉ là một phương tiện cho một mục tiêu lớn hơn nhiều".
Được biết, UAE lần đầu tiên công bố kế hoạch cho sứ mệnh vào năm 2014 và khởi động Chương trình Không gian Quốc gia vào năm 2017 để phát triển chuyên môn về vũ trụ tại địa phương. Dân số 9,4 triệu người của UAE hầu hết là lao động nước ngoài, thiếu cơ sở khoa học và công nghiệp của các quốc gia du hành vũ trụ lớn. Quốc gia này đưa ra tham vọng xây dựng một khu định cư trên sao Hỏa vào năm 2117.