Người dân Mỹ vừa được chiêm ngưỡng tàu vũ trụ mới được thiết kế để đưa các phi hành gia lên sao Hỏa trong tương lai, đồng thời thay cho thế hệ tàu con thoi do NASA đang khai thác.
Học sinh Mỹ chụp ảnh kỷ niệm phía trước tàu Orion. Ảnh: Reuters. |
Orion, tên của tàu thám hiểm, sẽ thay thế tất cả các loại phi thuyền mà Cơ quan không gian Mỹ (NASA) đang sử dụng. Nó sẽ là trụ cột trong sứ mệnh khám phá mặt trăng, sao Hỏa và nhiều hành tinh khác. Orion được trưng bày tại công viên quốc gia National Mall ở thủ đô Washington hôm 30/3.
NASA muốn dùng Orion để đưa các nhà du hành vũ trụ lên Trạm không gian quốc tế trước năm 2015, sau đó nó sẽ bay lên mặt trăng (vào năm 2020) và sao Hỏa (sau năm 2030).
Kiểu dáng của Orion được thiết kế dựa theo Apollo - phi thuyền đầu tiên đưa người Mỹ lên mặt trăng trước đây. Mặc dù có hình dạng tương đối giống nhau, Orion có kích thước lớn hơn và có thể chở được 6 phi hành gia. Tổng trọng lượng của tàu này là 8 tấn.
Sứ mệnh chính của Orion là đưa người lên sao Hỏa. Tuy nhiên, một chuyến đi lên hành tinh đỏ sẽ phải mất ít nhất 3 năm, gồm 6 đến 9 tháng để lên tới đó và mất chừng đó thời gian để quay về trái đất, thời gian còn lại để chờ thời điểm hợp lý cho việc quay về.
Các nhà khoa học của NASA cho rằng những công nghệ hiện nay của họ không thể đảm bảo an toàn cho những chuyến thám hiểm kéo dài tới tận 3 năm. Vì thế Orion sẽ thực hiện nhiều chuyến bay tới mặt trăng, vốn chỉ mất ba ngày. Mỗi chuyến bay sẽ kéo dài 6 tháng để các phi hành gia lập trại và luyện tập những thao tác mà họ muốn thực hiện trên sao Hỏa.
Vào ngày 6/4 tới, NASA sẽ thả Orion xuống vùng biển Florida thử nghiệm bằng một chiếc tàu chuyên trục vớt tầng đẩy của tên lửa trong các lần phóng vệ tinh. Các thiết bị bên trong phi thuyền sẽ đo gia tốc và độ nghiêng mà các nhà du hành sẽ phải đối mặt khi phi thuyền rơi xuống biển.