Tế bào được tạo nên từ gì?

Cơ thể con người cũng giống như một bức tranh ghép hình gồm hàng tỷ mảnh bé tí tẹo gọi là tế bào.

Tế bào có nhiều kích thước, hình dạng khác nhau. Khi kết hợp lại, các tế bào tạo thành các bộ phận của cơ thể, từ mạch máu cho đến bộ não.

Tế bào bé nhỏ vô cùng. Ví dụ: bạn thử quan sát xem một sợi tóc mảnh đến mức nào. Cho dù nó rất mảnh như vậy, nhưng cũng phải gần 20 tế bào mới bằng được đường kính của một sợi tóc.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, tế bào được tạo nên từ nhiều khối tạo dựng mà chúng ta gọi là các phân tử, như là phân tử nước, phân tử protein, phân tử chất béo và DNA.

Cũng như cơ thể có nhiều bộ phận khác nhau cùng phối hợp lại mà thành, các tế bào cũng gồm nhiều phần. Chúng ta hãy cùng xem xét kỹ hơn.


Hình minh họa một tế bào của người.

Tế bào cũng có da

Lớp da bên ngoài của tế bào được gọi là màng tế bào. Màng tế bào được tạo nên chủ yếu từ các phân tử chất béo. Lớp da này tạo thành một bong bóng bao bọc bên ngoài toàn bộ tế bào.

Cây cối cũng có tế bào. Nhưng tế bào của cây có thêm một lớp da nữa gọi là thành tế bào đủ mạnh và bền chứ không mềm như một bong bóng. Chính vì thế cây có thể mọc rất cao.

Tế bào có khung xương

Giống như xương trong cơ thể chúng ta, tế bào cũng có một dạng xương gọi là bộ xương tế bào. Bộ xương này được tạo thành từ các phân tử protein. Bộ xương của tế bào giữ cho tế bào khỏe đồng thời giúp cho tế bào di chuyển khắp cơ thể.

Tế bào có (một dạng) não

Một trong những phân tử quan trọng nhất của một tế bào là DNA của tế bào. DNA này được tạo thành từ một loại khối tạo dựng gọi là nucleotide. DNA giống như một cuốn sách hướng dẫn cho tất cả mọi thứ trong tế bào phải làm gì (kể cả việc tạo thêm tế bào mới, di chuyển, và chiến đấu chống lại vi trùng). Vì nhân tế bào cất giữ hầu hết DNA của chúng ta nên nó cũng giống như bộ não của tế bào vậy.

Hẳn là bạn đã nghe nói về gene. Gene giống như một công thức mà các tế bào dùng để tạo nên cơ thể bạn. Gene quyết định chiều cao cơ thể, màu mắt, màu tóc, v.v.

Gene của chúng ta được tạo thành từ DNA và chúng ta nhận DNA này từ bố và mẹ. Ví dụ: nếu bố có mắt nâu, thì công thức màu mắt trong DNA của bố sẽ truyền sang cho con để bảo cho các tế bào làm thế nào để tạo ra màu mắt của con cũng là nâu. Điều này giải thích vì sao con cái thường trông giống bố mẹ.


Hàng tỷ tế bào trong cơ thể tạo nên mỗi con người chúng ta.

Tế bào có dạ dày

Khi bạn đói, bạn ăn. Dạ dày của bạn sẽ nghiền thức ăn cho nhỏ ra, đây là một phần trong quá trình tiêu hóa. Tương tự như vậy, tế bào của bạn cũng có dạ dày nhỏ bé của nó để tiêu hóa thức ăn và phân loại ra chất cặn bã từ tế bào để giữ cho tế bào khỏe mạnh.

Tế bào tạo ra năng lượng

Nếu bạn bật công tắc thì ngay lập tức căn phòng sẽ được chiếu sáng. Đó là nhờ dòng điện, một dạng năng lượng, được các nhà máy điện sản xuất ra và truyền đến nhà bạn. Chúng ta dùng điện để chạy rất nhiều thiết bị như đèn chiếu sáng, TV, điện thoại, máy điều hòa nhiệt độ.

Gần như tất cả mọi thứ xảy ra bên trong một tế bào cũng đều cần đến năng lượng. Vì thế, các tế bào có những bộ phận đặc biệt gọi là ty thể. Ty thể là các nhà máy điện của tế bào và tạo ra tất cả năng lượng mà tế bào cần để hoạt động.

Tế bào cũng biết nói chuyện với nhau

Nếu tế bào của chúng ta nhỏ bé như vậy và cơ thể chúng ta lại to lớn đến vậy, thì làm thế nào tất cả các tế bào phối hợp được với nhau? Câu trả lời là tế bào cũng có thể nói.

Thay vì cầm lấy điện thoại để nói chuyện với nhau, tế bào gửi các tin nhắn cho nhau. Những tin nhắn này được tạo thành từ các phân tử có chức năng giúp tế bào giao tiếp.

Ví dụ: Nếu bạn bị ong đốt, da bạn sẽ bắt đầu tấy đỏ. Vết tấy này trông có vẻ đáng sợ nhưng thật ra nó tấy đỏ như vậy là nó đang giúp bạn. Các tế bào ở chỗ bị ong đốt đang nhanh chóng gửi tin nhắn nhờ trợ giúp. Tế bào ở các vùng khác nhận được các tin nhắn này và sẽ đến để giải cứu.

Các nhà khoa học biết rất nhiều về tế bào, nhưng không phải là biết hết. Vì thế chúng ta rất cần những thế hệ tiếp theo ham hiểu biết và tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ hơn về tế bào và cơ thể chúng ta.

Cập nhật: 19/09/2020 Theo Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video