Thai phụ nhiễm Rubella có nguy cơ sinh quái thai

Thai phụ bị nhiễm Rubella trong ba tháng đầu, 50% sinh con ra đều bị quái thai. BS. Nguyễn Ngọc Vinh, trưởng khoa Nội A, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới khuyến cáo, thai phụ cần tham vấn bác sĩ nếu nhiễm Rubella trong ba tháng đầu của thai kỳ.

Ông cho biết theo thống kê trên toàn thế giới, với thai phụ bị nhiễm Rubella trong ba tháng đầu, 50% đứa trẻ được sinh ra đều là quái thai. Trong ba tháng kế, tỷ lệ này giảm hơn là 30%.

Trẻ sơ sinh bị nhiễm hội chứng Rubella bẩm sinh thường có biểu hiện: bị điếc, mù, chậm phát triển tâm thần và vận động, đục thuỷ tinh thể, bệnh lý võng mạc, viêm phổi bẩm sinh, gan lách to, tim bẩm sinh và tổn thương xương... (Ảnh: VNN)

Theo BS. Vinh, ba tháng đầu tiên là ba tháng phát triển của thai kỳ. Đây là giai đoạn tạo hình của bào thai, từ mắt – môi – tai đến tay chân. Vi-rút gây bệnh Rubella sẽ cản trở một trong những quá trình tạo hình đó.

Mẹ nhiễm Rubella mãn tính có thể gây nhiễm cho phôi thai trong đợt cấp tính. Vi-rút Rubella có thể ức chế khả năng phân chia tế bào, hay tác dụng phá huỷ tế bào (gây tổn thương cơ quan, nhân mắt ở trẻ sơ sinh...), hoặc có thế làm tổn thương mạch máu thai nhi và ốc tai trong, tim, não.

Mẹ mang bệnh, con phải chịu hậu quả

Ngày 12/2/2001, bé gái tên là N.T.L.Đ chào đời cân nặng 1.700 gam và được các bác sĩ chẩn đoán sau sinh như sau: bất thường bẩm sinh với đầu nhỏ, mắt nhỏ, đục thuỷ tinh thể. Ngoài ra, sau khi tiến hành một số xét nghiệm thì phát hiện bé bị thông liên nhỉ, còn ống động mạch, bị tổn thương não nghi do nhiễm trùng bào thai. 6 tháng sau, bé Đ còn bị phát hiện điếc cả hai bên.

4 tháng sau khi sinh bé được phẫu thuật mổ tim thắt ống động mạch. 2 tháng tiếp theo đó, bé lên bàn mổ lần thứ hai do bị bệnh lý về võng mạc.

Đến 13/7/2004, bé Đ bị suy dinh dưỡng nặng, chưa thể tự đi với cân nặng 9,8kg, chiều cao 90cm, vòng đầu là 46cm. Hai mắt bé cận nặng đến 14, 5 độ, phải đeo kính. Hai tai điếc độ 4 (đang đeo máy trợ thính). Bé chưa biết nói và nghe hiểu rất hạn chế.

Tiền căn của mẹ bé Đ, chị T.T.P.A, 23 tuổi, rất khoẻ mạnh nhưng chưa tiêm ngừa phòng bệnh Rubella. Tuy nhiên sau khi mang thai được 5 tuần, chị bị sốt vừa (38 – 38,5 độ C), phát ban mặt, tay chân và lan toàn thân.

Sau khi đi khám thai vào ngày 5/7/2000, bác sĩ kiểm tra nước ối và phát hiện túi thai trong tử cung được 6 tuần tuổi. Tái khám ngày 2/2/2001 khi thai nhi được 37.5 tuần, thai kém phát triển, thiểu ối, dị tật ở não thất và tràn dịch màng tim.

"Bỏ thai" nếu mẹ nhiễm Rubella

Bé N.T.L.Đ là một trong bốn trường hợp điển hình Hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ nhỏ bắt nguồn từ bào thai.

PGS.TS Lê Diễm Hương: Thai phụ thường nhiễm bệnh từ rất sớm (vào ba tháng đầu của thai kỳ) vì vậy trẻ có nguy cơ nhiễm hội chứng nhiễm Rubella bẩm sinh (Ảnh: H.Cát)
Những trường hợp điển hình này đã được PGS.TS Lê Diễm Hương, chuyên khoa Nhi - Sơ sinh, báo cáo trong "Hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp Châu Á - Thái Bình Dương V" tại TP.HCM ngày 10 - 11/5/1005. Hiện nay bà đang làm việc tại BV Phụ sản Quốc tế TP.HCM.

Trong báo cáo, PGS.TS Lê Diễm Hương cùng các cộng sự của mình đã nhận xét rằng hầu hết các bà mẹ này đều chưa được chủng ngừa trước sanh, triệu chứng sốt phát ban toàn thân xảy ra trước tuần thứ 12 thai kỳ. Tất cả các bé đều là con đầu lòng.

Các bà mẹ tuổi còn rất trẻ 23 - 25 tuổi, tiền sử mẹ không sẩy thai hay thai chết lưu. Trước khi có thai, các sản phụ này không có biểu hiện lâm sàng nhiễm Rubella, nhưng lại thường nhiễm bệnh từ rất sớm vào ba tháng đầu của thai kỳ, vì vậy mà nguy cơ em bé sau khi ra đời bị CRS là rất lớn. Xét nghiệm mẹ và em bé cho thấy chỉ số nhiễm vi-rút Rubella rất cao.

Biểu hiện lâm sàng của các thai phụ đều rất rõ: sốt phát ban, đau nhức, nổi hạch ngay tháng 1 - 2, nhưng đều không được xét nghiệm IgM để chứng minh thời điểm nhiễm bệnh cụ thể. Khi trình bày trước hội nghị sản phụ khoa lần V, PGS.TS Lê Diễm Hương cũng đã khẳng định với các trường hợp này, khả năng nhiễm bệnh nguyên phát dễ xảy ra ở người con so chưa có miễn nhiễm với Rubella.

Vào thời điểm đó, các sản phụ trên đều được khám thai thường xuyên, các đặc điểm lâm sàng khi nhiễm bệnh đều được bác sĩ ghi nhận, song ít được tư vấn trước về khả năng bệnh lý của em bé sau khi sinh.

Đối với trẻ sơ sinh, vi-rút trong máu mẹ truyền qua nhau vào thai nhi, xảy ra khi mẹ mắc bệnh khoảng 1 tuần trước khi nổi ban và kéo dài 3 - 4 ngày sau khi phát ban.

Để xét nghiệm phát hiện mẹ nhiễm vi-rút có thể phân lập vi-rút trong dịch mũi họng, nước tiểu, kết mạc mắt. Trẻ sơ sinh nhiễm Rubella tìm được vi-rút tới 80 - 90%. Ở trẻ tử vong, siêu vi có thể tìm thấy ở tim, não, thận, phổi, gan, lách, tuyến giáp.

Rubella (Sởi Đức) là yếu tố thứ ba, nằm trong nhóm dễ gây nhiễm trùng bào thai. Nhiễm siêu vi Rubella (Sởi Đức) trong thời gian mang thai, nhất là ba tháng đầu hay tháng cuối thai kỳ thì có thể gây sẩy thai, sinh non, thai chết lưu, dị dạng...

Tuy từ trong thai nhi, thai nhi đã có tiếp xúc với kháng nguyên Rubella, những trẻ sơ sinh đáp ứng miễn dịch kém hiệu quả. Vì vậy, hậu quả nặng nề nhất đối với em bé sau khi chào đời là nhiễm hội chứng nhiễm Rubella bẩm sinh (CRS – Congenital Rubella Syndrome).

Trẻ sẽ bị điếc, mù, chậm phát triển tâm thần và vận động, đục thuỷ tinh thể, bệnh lý võng mạc, viêm phổi bẩm sinh, gan lách to, tim bẩm sinh và tổn thương xương...với tỷ lệ 0,1 – 2%.

Trong khi đó, theo PGS.TS Hương, chi phí điều trị cho những trường hợp bị bệnh rất tốn kém mà lại kém hiệu quả. Nên hiện nay các thai phụ bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ là "bỏ thai".

Tầm soát và chủng ngừa

Thai phụ cần được bác sĩ tư vấn khi bị nhiễm Rubella trong ba tháng đầu của thai kỳ xem có nên lưu thai hay không. (Ảnh minh họa)
Bằng cách tầm soát và chủng ngừa cho các đối tượng có nguy cơ bị bệnh, đặc biệt là phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ ở các nước đã cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm Rubella cũng như CRS.

Vắc-xin ngừa ba bệnh sởi - quai bị - Rubella có hiệu quả trong việc gây miễn dịch chống bệnh Rubella và giảm CRS.

Phòng tiêm chủng của Viện Pasteur TP.HCM cũng như toàn bộ đội y tế dự phòng các quận, huyện đều có các loại vắc - xin chủng ngừa. Bao gồm: PRIORIX, TRIMOVAX, và MMR II, với giá từ 110.000 - 120.000 đồng/mũi.

Đối với trẻ em, trẻ phải được tiêm ngừa 2 mũi MMR II; tiêm mũi (1) lúc 12 - 15 tháng tuổi và mũi (2) lúc 4 - 6 tuổi.

Còn phụ nữ trong tuổi sinh đẻ phải được tiêm ít nhất một mũi. Phụ nữ trong khi mang thai không thể tiêm ngừa vắc-xin này. Những thai phụ này sẽ được chủng ngừa sau khi sanh để được bảo vệ cho lần có thai sau.

Về mặt khoa học, BS. Nguyễn Ngọc Vinh cho rằng vào mùa dịch như hiện nay tại TP.HCM, việc tiêm ngừa vắc-xin là đã chậm trễ.

Rubella là bệnh thường xảy ra vào mùa đông hay mùa xuân, và lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Bệnh lây lan qua ho, hắt hơi khi tiếp xúc với người bị nhiễm.

"Thật ra, 10 ngày trước khi nổi ban, bệnh nhân đã có thể lây bệnh và thậm chí 2 tuần sau khi nổi ban thì vẫn còn có khả năng lây bệnh cho người khác. Vì vậy vào lúc đó mới có ý thức đi chích ngừa thì không còn hiệu quả," BS. Vinh lý giải.

Vì vậy, khi có kế hoạch có thai, người mẹ phải được chích ngừa bệnh Rubella trước đó 3 tháng.

Theo VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video