Những con cua đỏ chờ chết tạo thành một tấm thảm dày phủ dọc theo bờ biển quận Cam ở California, Mỹ, nhiều nơi cua chất cao gần chục cm khi thủy triều mạnh.
International Business Times hôm 16/5 đưa tin, hàng nghìn con cua đỏ mắc cạn tạo thành một làn sóng đổ bộ vào các bãi biển phía nam California. Những con cua đỏ nhỏ xíu sinh sống gần mặt nước biển, còn gọi là cua cá ngừ (Pleuroncodes planipes) nằm la liệt ở ven bờ quận Cam, trải dài từ bãi biển Huntington đến Laguna.
Cua mắc cạn phủ kín bãi biển California, Mỹ, năm thứ hai liên tiếp. (Ảnh: WPTV).
"Đây quả là một cuộc xâm lược. Một số nơi cua chất cao tới 7,6cm khi nước triều lên cao. Chúng chất đống ở khắp mọi nơi trên bãi biển", Gary Conwell, đội trưởng đội cứu hộ ở bãi biển Newport, cho biết.
Các bãi biển vẫn mở cửa do nhà chức trách cam đoan chúng không gây nguy hiểm cho người dân. Cua đỏ đôi khi vẫn xuất hiện với số lượng lớn trên bãi biển, nhưng hiện tượng này có xu hướng diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Một số nhà khoa học cho rằng cua đỏ mắc cạn là kết quả từ nhiệt độ nước biển tăng cao do quá trình ấm lên toàn cầu.
Đây là năm thứ hai liên tiếp cua đỏ phủ kín bãi biển California. Công nhân vệ sinh ở địa phương đang dự định sử dụng xe tải để di dời số cua. Tuy nhiên, một số bãi biển nằm trong khu bảo tồn và họ không được phép chạm vào những con cua.
"Chúng tôi ở trong khu bảo tồn biển. Chúng tôi không thể làm gì nhiều. Việc dọn dẹp số cua đành tùy thuộc vào tự nhiên", thượng úy Kai Bond ở đội cứu hộ bãi biển Laguna, chia sẻ.