Người Ba Tư cổ đại đã xây dựng nên những chiếc cối xay gió hơn 1.000 năm trước, và tới nay chúng vẫn hoạt động.
Một trong những phát minh cổ đại mang tính hình tượng và được sử dụng cho đến ngày nay chính là chiếc cối xay gió.
Cối xay gió lần đầu tiên được phát minh năm 634, chủ yếu dùng để xay bắp và thoát nước. Một trong những cối xay gió lâu đời nhất trên thế giới có thể được tìm thấy ở thị trấn Nashtifan, Iran, nằm cách biên giới Afghanistan khoảng 30km.
Theo ghi chép, những chiếc cối xay gió với trục thẳng đứng này đã được người Ba Tư cổ đại xây dựng cách đây hơn 1.000 năm.
Nếu so sánh với cối xay gió hiện đại, chúng ta sẽ thấy những công trình này có kiểu dáng khá kỳ quái với trục phát động nằm dọc, cùng khoảng 6 - 12 cánh hứng gió hình chữ nhật.
Tuy nhiên, đây chính là hình dáng nguyên thủy của cối xay gió, khi mà con người lần đầu tiên tìm ra được cách tận dụng nguồn năng lượng vô tận từ gió.
Nguyên lý cối xay gió Nashtifan. (Ảnh: National Geographic).
Nguyên lý hoạt động của cối xay gió bắt đầu khi luồng gió thổi vào cánh gỗ, làm trục chính chuyển động, và quay máy nghiền hạt. Cứ như thế, những hạt lúa mì được nghiền thành bột mà không cần đến chút sức lực nào của con người.
Dần theo thời gian, mô hình này lan rộng và trở nên phổ biến khắp vùng Trung Đông và Trung Á, sau đó lan sang Trung Quốc, Ấn Độ và phần còn lại của châu Âu.
Điều kỳ lạ là dù được dựng từ những nguyên liệu thô như rơm, đất sét, gỗ... song những cối xay gió này vẫn bền bỉ một cách đáng kinh ngạc theo thời gian.
Đến nay, sau hơn 1.000 năm, dù không còn ở trong điều kiện tốt nhất, song chúng vẫn có thể được sử dụng để xay ngũ cốc thành bột.
Vào năm 2002, những chiếc cối xay gió này đã được Cục di sản văn hóa Iran xếp hạng là một trong những di tích quốc gia có tầm quan trọng lớn về lịch sử và du lịch.