Sở khoa học và Công nghệ Hà Nội cho hay đến đầu tháng sau sẽ tiến hành cứu chữa cho cụ Rùa hồ Gươm, dù hiện nay chưa rõ nguyên nhân gây ra các vết thương trên cổ cụ.
Vết thương mới ở cổ và mai được ghi nhận vào cuối tháng 12/2010. (Ảnh: Vũ Long)
Sở đã báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về kết quả hội thảo cứu rùa hôm 15/2, trong đó hầu hết các nhà khoa học trong nước đồng ý đưa Rùa lên bờ chữa trị.
“Sau khi có quyết định của UBND thành phố, việc tiến hành cứu chữa cho cụ sẽ được tiến hành chậm nhất là sang đầu tháng 3. Để các biện pháp được thực hiện tốt nhất, không nguy hiểm đến tính mạng cụ chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp nữa nhằm bàn giải pháp cụ thể hơn”, tiến sĩ Lê Xuân Rao, giám đốc Sở nói.
Những lưu ý của các nhà khoa học trong trường hợp đưa cụ Rùa lên bờ chữa trị cũng được Sở đưa ra trong bao cáo gửi lên UBND thành phố như: điều kiện thời tiết, bôi thuốc nào cho thích hợp, nhất là việc lựa chọn chuyên gia có kinh nghiệm
Đồng thời, Sở đã đưa đề xuất các biện pháp của các nhà khoa học đưa ra trong hội thảo như cải tạo môi trường nước hồ, kiểm tra chất thải trong hồ, hạ thấp hai đường ống dẫn nước của đền Ngọc Sơn không để cản trở đường đi của cụ Rùa, dựng đài phun tăng cường oxy, bổ sung nước, cải tạo bờ kè ở Tháp Rùa để cụ có thể trèo lên đảo phơi nắng..
Về thiết bị tiến hành tiêu diệt rùa tai đỏ, ông Rao cho hay, Sở đã hoàn thiện thiết bị, và đang tiến hành thử nghiệm 7 lồng tại hồ Văn Quán về độ bền, các thao tác treo mồi, bắt rùa khi dính bẫy. Việc bắt rùa tai đỏ tại hồ Hoàn Kiếm là khả thi và có thể thực hiện sớm vào khoảng tháng 3. Tiếp đó, Sở sẽ đề xuất để nạo vét bùn sớm hơn để làm sạch môi trường nước trong hồ.