Vụ động đất ở bờ đông đảo Sumatra ngày 26-12-2004, kéo theo sóng thần, rồi một loạt những trận động đất trên cùng khu vực vào tháng 3 năm nay đã cướp đi mạng sống của 223.492 người ở 12 quốc gia, gây thiệt hại hơn 10 tỉ USD.
Đặc sứ LHQ về hồi phục sau thiên tai Bill Clinton nói hệ thống cảnh báo sớm (EWS) sẽ cứu sống cuộc đời nhiều người, và kêu gọi các bên đẩy mạnh công tác thiết lập hệ thống này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Hệ thống EWS phức tạp và tinh vi sẽ vô nghĩa nếu tín hiệu không tới được một cộng đồng được hướng dẫn cách tự bảo vệ mình khi nghe còi hụ".
Hội nghị Bonn nhấn mạnh việc chuyển từ lời nói sang hành động sẽ bao gồm: lập danh sách cách ứng phó, minh họa bằng một số các thực tiễn để hỗ trợ cư dân sống trong vùng nguy cơ (bao gồm các hành động từ cấp quốc gia tới cộng đồng và thường dân về đánh giá nguy cơ và kiểm tra việc thực hiện); lập danh mục tất cả các dự án cảnh báo sớm để chọn ra những dự án hiệu quả nhất tại một Hội nghị sau này; các nghiên cứu khoa học của hệ thống này cũng sẽ được tiến hành song song để trình bày tại một Hội thảo về khoa học và kỹ thuật để tìm ra các phương pháp cảnh báo tối ưu.
Trên cơ sở này, một "Nghiên cứu toàn cầu về một hệ thống cảnh báo sớm" được chuẩn bị theo yêu cầu của TTK LHQ, đã được chuyển tới hội nghị. Theo đó, EWS không phải là một hệ thống được kiểm soát từ trung tâm, mà là một mạng lưới các hệ thống dựa trên năng lực công nghệ và chuyên môn của các khu vực kinh tế, xã hội khác nhau.
Để hiệu quả, EWS phải nhắm vào con người và phải phối hợp bốn yếu tố: kiến thức về những hiểm họa con người phải đối phó, dịch vụ cảnh báo và giám sát kỹ thuật, phổ biến những cảnh báo cho những người sống trong vùng nguy cơ và nhận thức cũng như tính sẵn sàng ứng biến của cộng đồng sống trong vùng nguy cơ này. Nghiên cứu nhấn mạnh: "Sự thất bại của bất kỳ nhân tố nào trong bốn yếu tố này đều dẫn tới thất bại của toàn hệ thống".
Nghiên cứu này được tổng hợp trên cơ sở các dữ liệu thu thập từ 122 quốc gia.
TRẦN ĐỨC THÀNH (IPS, AFP, CNA)