Thành Troy chưa bao giờ là một đô thị sầm uất?

Trong kiệt tác Iliad, Homer kể rằng cuộc chiến giữa Sparta và Troy nổ ra khi nàng Helena, vợ của vua Sparta, bị Thái tử thành Troy cướp mất. Tuy nhiên, theo một số nhà khảo cổ, người Hy Lạp muốn chiếm Troy chỉ vì nó là một trung tâm thương mại lớn. Nay, các nhà sử học lại cho rằng nơi đây thực chất là một pháo đài với rất ít dân cư.

Những ý kiến trái chiều này đã tạo ra một “cuộc chiến thành Troy” mới, nhưng không phải bằng vũ lực, mà là “khẩu chiến”, nổ ra giữa hai nhà nghiên cứu cùng thuộc Đại học Tübingen (Đức): nhà khảo cổ học Manfred Korfmann và sử gia Frank Kolb. 

Hiện trạng thành Troy ngày nay


Từ năm 1988, tiến sĩ Manfred Korfmann đã tiến hành khai quật khu vực đỉnh đồi Hissarlik, phía tây Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có một pháo đài cổ và được xem là dấu tích của thành Troy. Ông cho biết đã tìm thấy bên ngoài pháo đài nhiều bằng chứng, cho thấy nơi đây từng là một thành phố sầm uất. Trong số đó, có nền móng của “nhiều ngôi nhà và đường phố”, cũng như các đồ vật bằng gốm nằm rải rác khắp nơi. Ngoài ra, khi đào xuống lớp đá gốc ở phía nam pháo đài cổ, Korfmann cũng phát hiện thấy các con hào rộng và sâu. Có lẽ, chúng đã được dùng để cản đường tiến công của các xe ngựa và các tấm gỗ lớn mà những kẻ xâm lược dùng để phá thành.

Cũng theo nhận định của Korfmann, ở thời điểm ấy, Troy, với dân số khoảng 10.000 người, là điểm dừng chân cực kỳ quan trọng cho những con tàu giong buồm từ vùng Aegean tới Biển Đen. Có lẽ, chính vị trí “trạm tiếp tế” này đã khiến nó trở thành miếng mồi hấp dẫn, làm phát sinh cuộc chiến giữa hai thành bang.

Korfmann đã trưng bày những kết quả khai quật của mình hồi năm ngoái, trong một cuộc triển lãm mang tên: “Troy, sự thực và hư cấu”. Tuy nhiên, ngay khi ra đời, triển lãm đã nhận được những lời chỉ trích gay gắt của tiến sĩ Frank Kolb, một chuyên gia sử học về thời kỳ cổ đại.

Korfmann muốn thổi phồng Troy thành một đô thị lớn bằng mọi giá. Vì thế, ông ấy không từ cả việc bịa đặt những chứng cứ của mình”, Kolb tuyên bố. Ông cho biết, những cuộc khai quật thực tế đã không đem lại bằng chứng chắc chắn nào về sự tồn tại của một trung tâm buôn bán lớn bên ngoài pháo đài. Theo Kolb, “nhiều ngôi nhà và đường phố” mà Korfmann “tìm thấy” chỉ là sự tưởng tượng, vì rất ít hố khai quật được thực hiện và phần lớn đất đai quanh pháo đài là đất nông nghiệp. Thêm nữa, “không một loại hàng hóa hay đồ thủ công nào được tìm thấy để chứng tỏ Troy là trung tâm kinh tế lớn”, nhà sử học cho biết thêm. Sau cùng, Kolb kết luận, Troy không phải là một thành phố, mà chỉ là một pháo đài. Có lẽ nó là cơ ngơi của một ông hoàng nào đó.

Về sự xuất hiện của các con hào, Kolb cho biết đó chỉ là những hệ thống tưới tiêu thông thường, không hơn không kém. Tuy nhiên, Korfmann phản công, với lập luận rằng khả năng đó chỉ có thể xảy ra nếu nước có thể chảy ngược lên đồi!

Một số nhà sử học và khảo cổ học ủng hộ ý kiến của Kolb. Tuy nhiên, Korfmann cũng không phải một mình một chiến tuyến. Tiến sĩ Peter Jablonka, một nhà khảo cổ của ĐH Tübingen, cho biết, những dấu tích của thành phố có thể được tìm thấy ở rất xa ngoài những con hào, chứng tỏ Troy rộng ít nhất gấp 10 lần so với diện tích mà chúng ta ước đoán trước đây. Với nhiều giả thuyết và lý lẽ như vậy, có lẽ đến giờ, sự thực về quy mô của thành Troy vẫn còn là một bí ẩn. Homer đã quên mất điều đó trong bản anh hùng ca của mình.

B.H.

Theo NYT, VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video