Các chuyên gia y tế nhận định, quan hệ tình dục và sự thủ dâm có thể đang cản trở việc loại trừ virus Ebola ở Tây Phi, do sự lây lan mầm bệnh nguy hiểm chết người này thông qua tinh dịch của nam giới sống sót tới 6 tháng sau khi họ được chữa khỏi.
Dịch Ebola bùng phát vì "tự sướng"
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng hy vọng chấm dứt được đợt bùng phát dịch Ebola hiện hữu vào cuối năm nay, nhưng các sự cố phát bệnh nhỏ lẻ vẫn tiếp tục xuất hiện ở các khu vực từng bị virus hoành hành.
Bruce Aylward, người đứng đầu nhóm chuyên trách ứng phó Ebola của WHO, cho biết, họ đã khuyên tất cả bệnh nhân nam sống sót đi kiểm tra 3 tháng sau khi bộc lộ các triệu chứng bệnh và sau đó là đi kiểm tra hàng tháng cho tới khi họ biết chắc bản thân không còn nguy cơ truyền virus thông qua tinh dịch của mình.
Tuy nhiên, một nghiên cứu sắp công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine, phát hiện, khoảng gần một nửa số nam giới qua khỏi bệnh vẫn còn các dấu vết của virus trong tinh dịch của họ sau 6 tháng.
Bản thân quan hệ tình dục không nguy hiểm mà chính tinh dịch mới là thủ phạm gây rủi ro.
Một bác sĩ lâm sàng gần gũi với nghiên cứu tiết lộ: "Lời khuyến nghị cũ về thời gian kiểm tra 3 tháng không còn phù hợp nữa. Số người vẫn còn virus Ebola tồn tại dai dẳng trong tinh dịch của họ lớn hơn nhiều so với kỳ vọng". Vị bác sĩ xin giấu tên này, nói thêm rằng, nguy cơ có thể không chỉ từ quan hệ tình dục giữa hai người, mà còn có thể bắt nguồn từ sở thích thủ dâm.
Bản thân chuyên gia Aylward của WHO cũng từng khuyến cáo: "Bản thân quan hệ tình dục không nguy hiểm, mà chính tinh dịch mới là thủ phạm gây rủi ro. Hiện chúng tôi vẫn chưa rõ cách mọi người thực sự tiếp xúc với tinh dịch mang mầm bệnh, trong đồ vải lanh nhiễm bẩn hay bất kỳ thứ gì khác".
Việc lây lan virus qua tinh dịch có thể lí giải tại sao một vài trường hợp nhiễm mới Ebola vẫn tiếp tục xảy ra, bất chấp việc bùng phát dịch gần như đã bị loại bỏ hoàn toàn nhờ nỗ lực mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, ông Aylward nhận định, việc lây lan virus Ebola qua đường tình dục "rõ ràng không phải là một nguy cơ lớn, vì nếu như vậy, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều trường hợp bùng phát bệnh hơn trong những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở đầu đợt dịch này".
Đợt bùng phát dịch Ebola lớn nhất trong lịch sử, bắt đầu từ tháng 3/2014 cho tới nay đã ghi nhận 28.171 ca nhiễm virus và 11.036 trường hợp trong số đó tử vong, tính đến ngày 5/9/2015. Các nỗ lực kiểm soát bệnh mới đây cũng được tăng cường nhờ việc triển khai vắc-xin Ebola thử nghiệm ở Guinea và Sierra Leone.