Một triển lãm rất ấn tượng về thế giới côn trùng đẹp lộng lẫy của Việt Nam qua bộ ảnh mà nhiếp ảnh gia người Ý - Saulo Bambi đã thực hiện trong 10 năm đang được giới thiệu tới công chúng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội.
Triển lãm có tên Khám phá đa dạng côn trùng Việt Nam do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên thuộc Đại học Florence (Italia) và Đại sứ quán Ý tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Ngoài bộ ảnh về thế giới côn trùng tuyệt đẹp của nhiếp ảnh gia Saulo Bambi, triển lãm còn giới thiệu một số bức ảnh của PGS.TS Vũ Văn Liên - nhà côn trùng học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Với phòng triển lãm có ánh sáng tiêu chuẩn quốc tế, thế giới côn trùng trong những bức ảnh tuyệt vời của Saulo Bambi trở lên lung linh kỳ diệu, rực rỡ sắc màu.
Đắm chìm trong thế giới côn trùng kỳ diệu ấy, người xem một lần được kinh ngạc và yêu mến hơn thiên nhiên tuyệt vời của Việt Nam.
Bộ ảnh này nhiếp ảnh gia Saulo Bambi đã kỳ công chụp trong 10 năm từ 2008 đến 2018, đi qua khắp các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên khắp đất nước Việt Nam.
Triển lãm còn trưng bày một bản đồ Việt Nam được phủ kín với những loài bướm khác nhau đại diện cho từng vùng địa lý tự nhiên của đất nước.
Triển lãm kể từ khi mở cử luôn thu hút đông công chúng tới thưởng lãm. Triển lãm kéo dài tới 18/6.
Ngắm thế giới côn trùng kỳ diệu của đất nước qua bộ ảnh tuyệt đẹp của nhiếp ảnh gia Saulo Bambi:
Con bướm duyên dáng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai này có cái đuôi rất dài để thu hút sự chú ý của kẻ săn mồi khỏi những khu vực dễ bị tổn thương hơn: thà mất một cái đuôi còn hơn mất đầu - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Còn con bướm đêm ở Vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ này là có hoa văn hình một đôi mắt lớn trên cánh như một vũ khí cứu nguy lợi hại: khi bị đe dọa, chúng đột ngột giang đôi cánh và lộ ra đôi mắt giả có thể gây nhầm lẫn và khiến những kẻ săn mồi sợ hãi, đủ thời gian để cho ngài cơ hội bỏ trốn - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Cánh của một loài bướm ở Rừng Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phủ Thọ như một bức tranh tuyệt đẹp - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Cặp chuồn chuồn này, trong quá trình giao phối tạo thành hình trái tim. Đây cũng là kiểu giao phối này là điển hình ở một số loài - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Màu sắc và hình dạng của loài rầy nhỏ ở Vườn quốc gia Cúc Phương này giúp nó ngụy trang lẫn với màu xanh của rừng. Những con bọ nhỏ này nhảy rất nhanh khi bị đe dọa - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Xén tóc ở Rừng quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Xén tóc là những côn trùng có ích phân hủy cây chết, chuyển hóa chất dinh dưỡng từ những cây gỗ chết cho rừng - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Màu xanh ánh kim lạ thường của loài xén tóc ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sao La, tỉnh Thừa Thiên Huế này khá hiếm gặp trong số các loài côn trùng - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Chú bọ đá đầy màu sắc này được Saulo Bambi chụp tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Màu sắc tươi sáng của một số côn trùng giống như loài bọ đá này là do khúc xạ ánh sáng trên lớp Kitin bao phủ cơ thể chúng - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Con bọ hung ở Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc này có cánh cứng lớn và nặng, dài hơn 8cm nhưng chúng cũng có thể bay - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Chú ve sầu khu Bảo tồn thiên nhiên Sao La, tỉnh Thừa Thiên Huế có màu sắc sặc sỡ và các nhà khoa học vẫn chưa xác định được rõ ràng chức năng của phần phụ dài trên đầu của loài ve này - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Sâu róm ở khu bảo tồn quốc gia Văn Bản, Yên Bái có những sợi lông độc dài giúp chúng tự bảo vệ trước những kẻ săn mồi.Trong bức ảnh này, những giọt nước nhỏ li ti còn đọng lại trên những sợi lông và cả mạng nhện ở phía sau làm chú sâu róm như mang cả trên mình một bầu trời sao - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Chú bọ ngựa tưởng rất hiền lành ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai này lại là động vật ăn thịt và ăn các loài côn trùng khác - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Một số loài côn trùng khi chưa trưởng thành chúng có màu sắc sặc sỡ thế này để 'nói' rằng chúng không ăn được đối với động vật ăn thịt - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Chú bướm đêm này có Ăng-ten ở trên đầu là một trong những cơ quan cảm giác chính giúp phát hiện các tín hiệu hóa học trong môi trường. Con đực đôi khi có ăng-ten phát triển hơn để xác định vị trí của con cái - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Mỗi loài bườm có màu sắc và hoa văn trên cánh riêng biệt - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Nhờ hình dạng và màu sắc, con châu chấu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pà Cò - Hang Kia (Hòa Bình) này hoàn toàn hòa lẫn vào rêu trên thân cây - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Con Ngài (bướm đêm) cái ở vườn Quốc gia Liên Sơn tỉnh Lào Cai này này thò ra một cơ quan đặc biệt tiết ra chất pheremon - một chất đặc biệt để thu hút con đực - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Con bọ cánh cứng ở Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) này có đôi mắt kép lớn gồm hàng trăm, đôi khi hàng ngàn, các tế bào cảm quang nhỏ bé được gọi là “mắt con” - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Loài Đuông dừa đỏ ở Rừng quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc này có chân trước dài mang đến vẻ ngoài rất kỳ lạ, cái vòi dài ở đầu của sử dụng để ăn trên cây cọ dừa - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Một số sâu bướm tạo ra một loại lồng tơ nhỏ để bảo vệ nhộng trong quá trình chuyển hóa thành một con bướm trưởng thành. Con sâu bướm này ở Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Đồng Nai - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Sâu bướm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bản, tỉnh Yên Bái ngoài sáu chân ngắn còn có các “chân giả" ở phần phụ bụng giúp chúng di chuyển. Trong bức ảnh này, các chân giả được nhìn từ phía dưới - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Con sâu bướm này trông có vẻ dễ bị tổn thương, nhưng nó có “vũ khí” của riêng mình - phần phụ (sừng) màu đỏ và mắt giả trông giống như đầu của một con rắn để đe dọa những kẻ săn mồi - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Sâu bướm với gai độc trên thân mình ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).
Sâu ngải (bướm đêm) ở vườn quốc gia Pù Mát tỉnh Nghệ An đôi khi tập hợp thành những đàn lớn với lông độc để bảo vệ chúng khỏi kẻ săn mồi - (Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại).