Thế giới ký sinh

1. Gã ở rể thô bỉ: ở đáy vực sâu vắng “người” không dễ tìm được bạn đồng hành. Bởi thế khi con cá vây chân đực bé con ngửi được mùi của giai nhân khổng lồ to gấp 20 lần, nó lao ngay vào và... không bao giờ nhả ra nữa!

Mạch máu của nó hòa tan ngay vào hệ thống người đẹp! Nó lệ thuộc đến mức các cơ phận của bản thân cũng dần dần biến đi! Cuối cùng, “hảo hán” này đã biến thành một “nhà máy”... chế biến tinh trùng, không còn bất kỳ nhiệm vụ nào khác.

2. Ma cà rồng: khi con ve cắm sâu vào da của một nạn nhân, đừng hòng lôi nó ra được. Hút máu, rồi nhả ra và chọn lọc lấy những chất dinh dưỡng mà nó thích, loài ma cà rồng này ăn một lần là no suốt cả tuần. Và trong cả cuộc đời nó, chỉ cần ăn ba lần là đủ. Một lần từ dạng ấu trùng sang nhộng.

Lần thứ nhì để trưởng thành. Và lần thứ ba để đẻ. Chim chóc, chuột bọ, loài có vú... nó không tha cho ai cả. Vấn đề là khi hút máu, nó cũng hút theo các loài vi trùng bệnh và sau đó truyền cho sinh vật khác. Ve là tác nhân lây nhiễm bệnh Lyme cho con người.

3. Loài lưỡng tính cô độc: đây là một sinh vật rất cô độc. Nó sống ở đâu? Trong ruột con người! Nhờ vào những cái móc kinh hoàng ở trên đầu, con sán xơ mít có thể bám vào thành ruột của con người một cách nhẹ nhàng, hút lấy tất cả chất bổ. Một số “con hạm” ăn khỏe có thể dài đến 10m!

Vừa là đực vừa là cái cùng lúc nên nó có thể tự đẻ trứng và thải ra qua phân. Khi ra bên ngoài, cơ may sống sót duy nhất của nó là tìm được một “bộ ruột” con người khác. Muốn như vậy, nó phải được một con heo hay một con bò ăn vào bụng rồi bám vào cơ bắp của chúng để hi vọng đi chu du thế giới. Khi ăn thịt bò chưa chín, con người sẽ bị trứng sán xơ mít xâm nhập vào ruột.

4. Tình yêu vĩnh cửu: ký sinh vẫn bị ký sinh tấn công! Loài sán máng (Schistosomes) gây ra một chứng bệnh khủng khiếp là bệnh hấp trùng (bilharziose), chuyên sống trong mạch máu con người để hút lấy hồng huyết cầu.

Thế nhưng vợ của nó (màu xanh) lại bám sát chồng không rời nửa bước để ăn ké! Khi con cái tìm được một đức lang quân ưng ý, nó chen vào khe hở của cơ thể con sán đực và không bao giờ tách rời ra. Từ đó nó ăn theo tất cả những gì con đực hấp thu rồi sinh sản và có thể đẻ mỗi ngày... 300 trứng!

5. Đồng sinh đồng tử: loài sâu ghẻ chuyên sống trên chân mày của con ruồi nhuế (La mouche simulie). Và chúng bắt đầu như thế ngay từ lúc sơ sinh. Ra đời từ các dòng sông, con sâu này bám vào trứng ruồi, đẻ trên đá hay cây cỏ ven sông. Thế rồi chúng cùng lớn lên, con sâu ghẻ chỉ cần hút một chút máu của ruồi để tồn tại. Cho đến khi cả hai cùng chết.

6. Hoàn toàn sâu sát: đó là một loại ký sinh nổi tiếng nhất: con chí. Bám sát vào tóc nhờ sáu cái chân đầy móng vuốt, nó hút máu trên da đầu con người. Trong suốt một cuộc đời, con chí cái có thể đẻ ra 300 chí con!

7. Giấc ngủ tử thần: một trong những loài ký sinh nguy hiểm nhất cho con người: trùng mũi khoan (Trypanosome) gây bệnh ngủ. Truyền đi từ ruồi tsé-tsé, nó sống bằng... hồng huyết cầu và nạn nhân rất ít cơ hội sống sót. Tại châu Phi, loài này giết chết nạn nhân khi xâm nhập đến óc, là loại bệnh gây tử vong hàng thứ nhì sau sốt rét.

8. Khách trọ bất lương: loài ong tiểu kiến (La guêpe braconide) luôn luôn đi tìm một chỗ trú ngụ tốt nhất. Tổ kén của con bướm chẳng hạn. Ngay khi phát hiện, con ong đang có bầu liền đẻ ngay vào kén. Ở đó, với nhiệt độ ấm áp, trứng ong bắt đầu phát triển. Để tỏ lòng biết ơn, ngay từ khi ra đời ong con đã xơi luôn cái tổ kén, từ trong ra ngoài, một cách rất từ từ để nó khỏi chết! Và cuối cùng khi cả hai đã trưởng thành, con sâu cũng biến thành bướm một cách èo uột, thì... mạnh ai nấy đi!

ĐINH CÔNG THÀNH

Theo Science & Vie Junior, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video