Thế giới trước thảm họa "2 độ C"

Viễn cảnh nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2 độ C hiện nay "rất có khả năng không thể tránh khỏi" và con người phải học cách sống thích nghi với tình hình đó.

Báo cáo đầy bi quan của Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) công bố ngày 18-9, cùng thời điểm kỳ họp lần thứ 62 của Đại hội đồng LHQ với một trong những chủ đề nóng bỏng là thay đổi khí hậu. Báo Independent (Anh) cho biết nghiên cứu mới nhất của IPCC khẳng định nỗi lo sợ của thế giới đang trở thành hiện thực nhanh hơn dự báo.

2 tỉ người thiếu nước

Hơn một thập niên trước, các nước trong khối Liên minh châu Âu đặt ra cột mốc tăng 2OC, mức nhiệt độ mà nếu vượt qua nó, những tác hại của thay đổi khí hậu sẽ trở thành thảm họa. Theo ước tính sẽ có tới 2 tỉ người trên toàn cầu thiếu nước sinh hoạt và 30% loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng nếu nhiệt độ tăng trong mức 1,5-2,5OC.

Hai năm trước, một nghiên cứu dự báo rằng thế giới chỉ còn tối đa mười năm trước khi đạt đến "điểm tới hạn" này. Trong báo cáo ngày 18-9, IPCC nói rằng tác động của sự tăng nhiệt độ hiện đã cảm thấy rõ rệt chứ không cần chờ đến tám năm nữa.

Theo thang xếp hạng mức độ rủi ro của IPCC, khi dùng từ "rất có khả năng" có nghĩa là thế giới chỉ có dưới 10% cơ hội để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2OC. Giáo sư Martin Parry, đồng chủ tịch nhóm soạn thảo báo cáo của IPCC, cay đắng: "Cách đây mười năm, chúng ta còn bàn đến những tác hại của việc thay đổi khí hậu lên đời con cháu mình. Bây giờ những tác hại đó đang xảy ra với chính đời chúng ta".

Người dân ở cao nguyên Ladakh (bắc Ấn Độ) chờ lấy nước từ vòi công cộng. Với lượng mưa hằng năm khoảng 50mm và 90% lượng nước lấy từ sông băng, người dân Ladakh sợ sẽ trở thành những người đầu tiên nếm trải hậu quả của hiện tượng khí hậu ấm dần. (Ảnh: AFP)

Theo ông Parry, con người hiện nay không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi để sống chung với thay đổi khí hậu. Điều phũ phàng là chính những quốc gia và những người nghèo nhất lại phải gánh chịu những điều tệ hại nhất từ sự thay đổi khí hậu. Giáo sư Parry kêu gọi các nước phát triển giúp đỡ những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất, trong đó có vùng Hạ Sahara ở châu Phi và những lưu vực sông lớn ở châu Á. Biện pháp giúp đỡ là sử dụng công nghệ hiện đại trong việc tưới tiêu, dùng các giống hoa màu chịu hạn và áp dụng kỹ thuật xây dựng tiên tiến.

Khi nhiệt độ nóng thêm 2OC...

Châu Á: khoảng 1 tỉ người thiếu nước sinh hoạt. Sản lượng ngô và lúa mì giảm 5% ở Ấn Độ, sản lượng gạo giảm 12% ở Trung Quốc. Nguy cơ lũ lụt ở vùng duyên hải tăng cao.

Châu Phi: khoảng 350-600 triệu người bị thiếu nước sinh hoạt. Đến năm 2020, sản lượng nông nghiệp giảm chỉ còn một nửa, diện tích đất cằn cỗi tăng 8%. Số loài sinh vật ở Hạ Sahara có nguy cơ tuyệt chủng tăng thêm 10%.

Úc, New Zealand: mỗi năm có thêm 3.000-5.000 người chết vì những bệnh liên quan đến nắng nóng. Đến năm 2030, khu vực nam và đông Úc không còn được đảm bảo đủ nước sinh hoạt. Rạn san hô Great Barrier bạc màu mỗi năm.

Châu Âu: nhiệt độ ấm hơn giúp sản lượng lúa mì tăng 25% ở khu vực Bắc Âu, nhưng nước sinh hoạt cho Nam Âu sẽ giảm 1/4. Các đợt nắng nóng, cháy rừng và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ quét sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Xuất hiện nhiều loại bệnh mới.

Châu Mỹ Latin: 77 triệu người thiếu nước sinh hoạt, các dòng sông băng nhiệt đới biến mất. Rừng nhiệt đới sẽ biến thành hoang mạc, nguy cơ lũ lụt tăng cao ở các khu vực duyên hải có vị trí thấp như El Salvador và Guyana.

Bắc Mỹ: sản lượng mùa màng tăng 20% nhờ nhiệt độ ấm lên nhưng thiệt hại kinh tế từ những hiện tượng thiên tai khắc nghiệt như bão Katrina sẽ tiếp tục tăng.

Khu vực địa cực: tốc độ tan chảy của lớp băng hà vĩnh cửu tăng lên mức 15%/năm, tổng thể lượng băng hà vĩnh cửu sẽ giảm khoảng 20%. Các cộng đồng thổ dân như người Inuit mất dần lối sống truyền thống.

Các đảo nhỏ: các hòn đảo nằm ở vùng thấp đặc biệt nhạy cảm trước mực nước biển tăng. Điển hình là đảo quốc Maldives, hiện đang bị nước biển lấn chiếm.

THANH TRÚC

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video