Thẻ phát hiện độc tố trong thực phẩm

Bức xúc trước vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Lê Văn Trọng, nghiên cứu viên trẻ của Viện Công nghệ thực phẩm (Bộ Công nghiệp) đã nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến các độc tố, với mong muốn bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

Mới đây, đề tài "Nghiên cứu tạo thẻ phát hiện nhanh hàm lượng Nitrite trong rau quả, thịt lên men thực phẩm" đã đạt loại xuất sắc của Bộ Công nghiệp.

Người tiêu dùng lâu nay vẫn lo lắng không hiểu vì sao có những loại hoa quả mua về để cả tuần vẫn tươi nguyên; thịt lợn, thịt bò có khi để cả ngày trông cứ như mới từ lò mổ ra! Lê Văn Trọng giải thích: "Trên thị trường những hóa chất bảo quản có nguồn gốc từ Trung Quốc rất rẻ, được bày bán tràn lan trên thị trường. Nitrite là một loại hóa chất có tác dụng chống thối, làm tươi thực phẩm. Ăn những loại thực phẩm có chứa độc tố, nhẹ thì ngộ độc, nặng thì về lâu về dài sẽ dẫn đến bệnh ung thư dạ dày".

Lê Văn Trọng (Ảnh: TTO)

Đề tài "Nghiên cứu tạo thẻ phát hiện nhanh hàm lượng Nitrite trong rau quả, thịt lên men thực phẩm" mà Trọng và các đồng nghiệp đang theo đuổi chính là bước khởi đầu góp sức bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trong quá trình đi khảo sát, lấy mẫu phân tích tại một số chợ ở Hà Nội, Trọng còn phát hiện các độc tố không chỉ có các loại thực phẩm tươi sống mà còn có cả trong loại thức ăn chín như: xúc xích, lạp xưởng...

Trọng bộc bạch: "Ăn uống là nhu cầu thiết yếu của con người. Trong khi các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được các loại hóa chất, cũng như các loại thực phẩm kém chứa độc tố đang trôi nổi trên thị trường, giải pháp tạo thẻ phát hiện nhanh chính là cách an toàn nhất giúp người tiêu dùng bảo vệ chính mình". Sau khi thử nghiệm thành công, Trọng tiếp tục hoàn thiện, đơn giản hóa sản phẩm. Trọng tiết lộ: "Dự kiến vào cuối năm nay sẽ đưa ra thị trường loại thẻ tiện dụng với giá rẻ. Đây là loại thẻ có tẩm dung dịch, chỉ cần quết lên thực phẩm sau 5 phút sẽ cho kết quả".

Tốt nghiệp loại giỏi khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội năm 2003, mê nghiên cứu nên Trọng đã quyết định nộp hồ sơ thi vào Viện Công nghệ thực phẩm và giành "vé" duy nhất vào viện năm đó. Trong ba năm qua, Trọng dành hết thời gian cho công việc nghiên cứu. Một ngày làm việc của Trọng bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 8 giờ đêm. Trọng nói vui, nhà của mình là phòng thí nghiệm. Từ đây, Trọng đã thực hiện những nghiên cứu mang lại hiệu quả cao như: tái chế dung môi rẻ tiền; sử dụng thuốc trừ sâu an toàn; xây dựng tiêu chuẩn ngành cho phân tích các loại đường và axít hữu cơ...

Đi sâu vào nghiên cứu các độc tố Trọng mới hay vì sao tỷ lệ ung thư ở VN càng ngày càng tăng, tỷ lệ vô sinh ở thành thị cũng tăng nhanh không kém. Đây cũng chính là lý do Trọng tiếp tục theo đuổi luận văn thạc sĩ đề tài phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả.

Thông thường để có kết quả thuốc bảo vệ thực vật phải tiến hành phân tích bốn nhóm, mất rất nhiều thời gian. Cách làm này cùng một lúc có thể phân tích cả bốn mẫu chỉ mất nửa ngày. Vừa tiết kiệm thời gian, mà vẫn đạt kết quả tốt. Trọng tâm sự: "Mình mới 26 tuổi, con đường khoa học đang còn dài. Dự định tiếp theo, mình sẽ nghiên cứu các loại  thảo dược. Ở VN có nhiều loại cây quý có thể chế biến thành thức ăn chức năng, thực phẩm rất tốt cho sức khỏe con người".

Vừa qua Lê Văn Trọng được Bộ Công nghiệp chọn là ứng cử viên cho giải thưởng "Mãi mãi tuổi 20" 2006.

Theo Thanh niên, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video