Thêm 4 loại vaccine dịch vụ sắp được tiêm chủng miễn phí

Từ nay đến năm 2030 sẽ có 4 loại vaccine lần lượt được đưa vào tiêm chủng miễn phí cho nhiều đối tượng.

Đó là: vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota cho trẻ dưới 1 tuổi tại 32 tỉnh năm 2024, 41 tỉnh năm 2025 và triển khai trên toàn quốc từ năm 2026; vaccine phòng bệnh phế cầu từ năm 2025; vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026; vaccine phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030.


4 vaccine dịch vụ sẽ được bổ sung vào danh mục vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Như vậy theo lộ trình từ nay đến năm 2030, sẽ có thêm 4 loại vaccine được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) miễn phí cho người dân, nâng tổng số vaccine được tiêm miễn phí lên 15 loại.

Hiện nay, 4 loại vaccine phòng các bệnh này đang được tiêm chủng dịch vụ với lịch tiêm như sau:

  • Vaccine phòng bệnh do virus Rota cho trẻ từ 6 tuần tuổi, uống 2-3 liều tùy loại vaccine.
  • Vaccine phòng bệnh do phế cầu cho trẻ từ 6 tuần tuổi, lịch tiêm tùy vào loại vaccine và độ tuổi của trẻ.
  • Vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung: Tiêm cho nữ từ 9-45 tuổi, tiêm 3 liều với khoảng cách là 0-2-6 tháng.
  • Vaccine phòng bệnh cúm mùa: Từ 6 tháng tuổi, trẻ tiêm lần đầu tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng, tiêm nhắc hàng năm.

Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc đưa thêm 4 loại vaccine vào chương trình tiêm chủng miễn phí này sẽ giúp nhiều người có thêm cơ hội tiếp cận được vaccine phòng bệnh. Qua đó, góp phần hạn chế nguy cơ mắc bệnh, giảm khả năng lây truyền bệnh và giảm gánh nặng bệnh tật.

Hiện vaccine đang được sử dụng cho đối tượng trong Chương trình TCMR năm 2024 bao gồm: vaccine viêm gan B sơ sinh, vaccine lao, vaccine bại liệt uống, vaccine sởi, vaccine sởi-Rubella, vaccine Viêm não Nhật Bản, vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT), vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td), vaccine uốn ván, vaccine Rota, vaccine phối hợp "5 trong 1" DPT-VGB-Hib.

Theo đăng ký của 63 tỉnh/thành phố, đối tượng thuộc Chương trình TCMR, năm 2024 có gần 1,3 triệu trẻ em được tiêm và uống 10 loại vaccine, cùng đó hơn 1,2 triệu phụ nữ có thai được tiêm vaccine rubella.

Ông Đức cho biết thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực để tìm kiếm nguồn vaccine để phục vụ tiêm chủng cho người dân.

Trước tình hình gián đoạn cung ứng vaccine, Bộ Y tế đã đề xuất hỗ trợ, viện trợ một số loại vaccine cho Chương trình TCMR trong thời gian chờ được phê duyệt kinh phí năm 2023. Theo đó, Bộ Y tế đã tiếp nhận khoảng 748.000 liều vaccine bạch hầu-ho gà-uốn ván, viêm gan B và Hib (DPT-VGB- Hib) do các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ để phân bổ cho 63 tỉnh thành phố triển khai tiêm chủng.

Bộ Y tế đã hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104-2016 quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó quy định ngân sách trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình TCMR được triển khai liên tục, hiệu quả.

Hiện Bộ Y tế đang thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine để cung ứng cho các tháng cuối năm 2024 và gối đầu 6 tháng năm 2025.

Cập nhật: 22/10/2024 NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video