Sáng 26/5, hàng trăm hạt gạo cháy ở tầng đất có niên đại 3.000 năm tiếp tục được đoàn khai quật tìm thấy tại khu di chỉ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội).
Tất cả số gạo cháy (hóa thành than) này đều được tìm thấy ở độ sâu 1,2 mét ở hố khai quật số 3, khu di chỉ Thành Dền. Theo thạc sĩ Bùi Hữu Tiến (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia HN), thành viên đoàn khảo cổ, sau khi đãi 6 xô đất, đoàn thu được rất nhiều hạt gạo cháy.
Hàng trăm hạt gạo cháy được tìm thấy sáng 25/5 (hộp nhựa phía trên), đi kèm là vỏ trấu, xương động vật, mảnh gốm. Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp. |
Ngoài ra, nhóm khai quật còn phát hiện một số mảnh vỏ trấu, nhiều xương động vật và một số mảnh gốm. Tuy nhiên, trong số di vật được phát hiện, không có hạt thóc (hạt có khả năng nảy mầm) nào.
Theo các thành viên đoàn khảo cổ, hơn một tháng nay trong quá trình khai quật tại 3 hố ở di chỉ Thành Dền, đoàn đã phát hiện được nhiều hố đất đen (hố rác bếp) nằm ở tầng văn hóa Đồng Đậu (3.000-3.5000 năm trước). Tại các hố có nhiều mảnh xương động vật, gạo cháy và các hạt thóc... Trong số các hạt thóc thu được chỉ có 10 hạt nảy mầm và đang được nuôi cấy, chăm sóc ở Viện Di truyền nông nghiệp.
Tại khu di chỉ Thành Dền, tầng đất cái nằm độ sâu 1,2-1,3 mét. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Bốn hạt phát triển tốt thành lúa non đã cấy ngày 25/5 để tiếp tục theo dõi. Vỏ trấu của các cây này đã được thu lại và dự kiến mang ra nước ngoài để xác định niên đại.